Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, các loại nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như bông, tơ tằm, đay, gai, lanh - là những nguyên liệu cung ứng cho dệt may, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nguồn nguyên liệu này hiện vẫn chưa phát huy và chỉ đáp ứng được khoảng 3-5% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các loại nguyên liệu có nguồn gốc nhân tạo, xơ sợi nhân tạo hầu như chưa được sản xuất trong nước.“Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ lãi suất vốn vay, ưu đãi tài trợ vốn, ưu đãi các loại thuế...”- Vị này kiến nghị.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam cho rằng, hàng Việt Nam hiện chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nên phải đi qua các đầu mối trung gian, đẩy giá bán lên cao và lẫn lộn với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trước khi đến tay người tiêu dùng. “Việc cấp bách là doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh,; đồng thời nhà nước sớm xây dựng những bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn tiêu dùng phù hợp với các quy định quốc tế để tạo thành những hàng rào hợp pháp bảo vệ sản xuất trong nước"- Bà Thân kiến nghị.
Trong khi đó bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trưởng trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, năng lực của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trong nước sản xuất còn kém; một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất chất lượng chưa đạt bằng sản phẩm cùng loại tương ứng do nước ngoài sản xuất. Đặc biệt, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng để làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.