Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe các đơn vị về Đề án sử dụng các mái nhà - tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT).
Sau cuộc họp, UBND TP đã có kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về phương án triển khai.
Theo đó, UBND TP giao Sở Công Thương tiếp tục hoàn thiện đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP.HCM".
Đối với trụ sở cơ quan hành chính, UBND TP yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư tập trung bằng nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, lập dự án đầu tư tổng thể để đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT cho các trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn TP.
UBND TP giao Sở Công thương phối hợp với các Sở, ngành, quận - huyện xây dựng tiêu chí đánh giá trụ sở đủ điều kiện lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà. Bao gồm: diện tích, công suất lắp đặt; mục đích tiêu thụ tại chỗ; an toàn về điện, an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ….
Từ đó, để làm cơ sở để xuất danh sách các trụ sở cơ quan hành chính thực hiện đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà.
Trên cơ sở tiêu chí đánh giá, UBND TP giao Sở Công thương phối hợp Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và các Sở, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, lập danh sách các trụ sở cơ quan hành chính đủ điều kiện lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà, khái toán khối lượng đầu tư và tổng mức đầu tư thực hiện.
Đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công cần thực hiện theo phương án đầu tư phân tán.
UBND TP khuyến khích các cơ quan, đơn vị đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở bằng nhiều hình thức đầu tư, đa dạng về nguồn vốn triển khai.
UBND TP giao Sở Tài chính có ý kiến về đối tượng, nguồn vốn, hình thức lắp đặt ĐMT mái nhà tại trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập, gửi Sở Công Thương tổng hợp, hoàn thiện đề án.
Về đánh giá hiệu quả đầu tư, UBND TP giao Sở Công thương bổ sung thêm nội dung đánh giá hiệu quả đầu tư của việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở công, đặc biệt là hiệu quả đầu tư lâu dài.
Đồng thời, Sở Công thương cần phân tích đánh giá giải pháp công nghệ, chi phí phần xử lý rác thải tấm năng lượng mặt trời hết sử dụng, sau khi thanh lý, bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần vào tăng trưởng xanh, kích thích năng lực đầu tư sản xuất các thiết bị để phát triển năng lượng xanh.
UBND TP giao Sở Công Thương, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tiếp tục làm việc, kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống ĐMT mái nhà. Từ đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư ĐMT mái nhà trên địa bàn TP.