“Hiện tư duy người tiêu dùng và cơ chế chính sách đang có sự thay đổi. Nếu doanh nghiệp (DN) nào biết tận dụng đòn bẩy này sẽ vượt qua khỏi khó khăn trong giai đoạn hiện nay, chuyển sang một tầm cao mới”. TS Alan Phan nhận định như thế tại Hội thảo thách thức và cơ hội mới 2014-2015, chủ đề chiến lược chuyển đổi của DN do Trường Đào tạo doanh nhân PTI tổ chức ngày 10-8 ở TP.HCM.
Công nghệ cao đổ bộ vào Việt Nam
Theo ông Alan Phan, có nhiều lực chuyển đang thay đổi nền kinh tế toàn cầu trong 20 năm tới. Thứ nhất, văn hóa mới sẽ có màu sắc toàn cầu theo khuynh hướng kinh tế thị trường. Thứ hai, dòng tiền đầu tư quay về Âu Mỹ, hiện nay chưa bao giờ thế giới có nhiều tiền như lúc này. Thứ ba, siêu công nghệ sẽ biến đổi mô hình kinh doanh, cách thức chúng ta sinh hoạt, thay đổi sản xuất công nghiệp. Thứ tư, dầu khí và khoáng sản không còn là tài sản tối ưu trong các nền kinh tế đã phát triển. Thứ năm, dịch vụ an sinh và giải trí sẽ chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng GDP toàn cầu.
Đến thăm một nhà máy sữa gần Chicago ở Mỹ cùng với Vinamilk, họ nuôi 500 con bò nhưng chỉ có ba người vận hành mà chủ yếu là dân công nghệ. Còn lại là robot cho ăn, vắt sữa, vệ sinh... Hay như ngày xưa khi có bất kỳ biến chuyển gì ở Trung Đông là đều ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, vì khi đó Mỹ phụ thuộc vào dầu khí. Nhưng hiện nay điều này không còn quan trọng nữa vì hai năm nữa Mỹ sẽ là nơi sản xuất dầu thứ hai thế giới, một phần nhờ họ áp dụng công nghệ rất mới làm giảm lượng tiêu thụ dầu. “Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng tương lai cả thế giới chỉ còn là một thị trường và tốc độ thay đổi về công nghệ sẽ nhanh” - ông Alan Phan nói.
Theo TS Trần Du Lịch , thị trường cần cấu trúc lại theo hướng chuyển từ gia công sang sản xuất. Ảnh: Thanh Vũ
Đồng quan điểm với TS Alan Phan, TS Trần Du Lịch cũng cho biết vừa qua có dịp làm việc với TH true MILK và thật đáng mừng được biết lần đầu tiên robot được áp dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam, tự động hóa tất cả các khâu. Thậm chí họ dùng công nghệ Israel, bò được gắn con chip báo tình trạng sức khỏe... Điều đó cho thấy cơ hội luôn xuất hiện mọi nơi mà thách thức chính là có nhìn thấy cơ hội hay không. Các DN đừng bao giờ nghĩ rằng mọi sản phẩm người ta đã làm hết rồi mình không có chỗ nào làm nữa. “Vấn đề ta làm cái đó bằng cách khác” - TS Lịch nhấn mạnh.
Các nước phát triển rất chuộng DN vừa và nhỏ
Đứng trước những thay đổi ấy DN phải biết nắm bắt cơ hội của mình. Theo TS Alan Phan, không nhất thiết phải ôm đồm làm hết, bởi có nhiều sản phẩm đầu vào DN chỉ cần mua hoặc đi thuê. Chúng ta có thể qua nước ngoài nghiên cứu nhưng cũng có thể lên Google sẽ có nhiều thứ mình học được. Một DN lớn hay tập đoàn nhất thiết phải làm tốt các việc như chăm sóc khách hàng, xây dựng mục tiêu rõ ràng, kế hoạch tiếp thị hoàn toàn mới...
Bàn về vấn đề DN tham gia vào quy trình gia công, sản xuất hàng hóa, theo ông Trần Du Lịch, tài nguyên của chúng ta đang cạn kiệt, giờ cái gì cũng nhập. Cái làm ra thì chỉ xuất thô. Mới đây làm việc với tập đoàn cao su, được biết chúng ta cũng chỉ mới bán thô. Hay chúng ta luôn nói xuất khẩu tăng bao nhiêu nhưng kỳ thực giá trị gia tăng cho đất nước này không góp được bao nhiêu cho GDP nếu không muốn nói là rất thấp. Chúng ta không tạo được giá trị mới nên làm sao tăng thu nhập được.
Vậy nên TS Lịch đề xuất phải cấu trúc lại thị trường, chuyển từ gia công sang sản xuất. “Nhìn sang Hàn Quốc, tôi được biết họ có chính sách phát triển nền sản xuất công nghiệp gắn liền với sự mở rộng số lượng các DN vừa và nhỏ. Theo đó, chỉ có DN vừa và nhỏ làm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào (các bộ phận linh kiện, các chi tiết máy móc,…) chứ các tập đoàn không làm” - ông Lịch lưu ý. Cũng theo ông Lịch, ở Việt Nam, thiết nghĩ cũng cần phải có một đạo luật tương tự để gắn công nghiệp hỗ trợ với DN vừa và nhỏ. Muốn thế phải có chương trình đào tạo cho những DN này. Đồng thời, giới thiệu và tạo điều kiện cho các DN có khả năng làm công nghiệp phụ trợ có cơ hội tham gia vào cuộc chơi chung.
Sự nhạy bén thị trường cũng là điều rất quan trọng để nắm bắt được cơ hội. Theo ông Alan Phan, được biết Vinamilk đã mua lại một công ty sữa tại Mỹ. Thực thế ở Mỹ với các công ty sữa một năm tăng trưởng được 1% đã là quý. Tuy nhiên, ở các thị trường mới nổi thì tăng 10%-12% là bình thường.
Thử nhìn vào thị trường sữa Trung Quốc để tìm ra cơ hội. Thời gian qua Trung Quốc gây scandal khi sữa được phát hiện có melamine và thị trường sữa nội địa giảm khủng khiếp. Hầu hết người có tiền đều mua sữa ngoại. Hiện ngành sữa Trung Quốc phải nhập khẩu. Tuy Vinamilk hiện nay khó có thể xuất khẩu thẳng sữa sang Trung Quốc, song với nhãn hiệu từ công ty mới mua tại Mỹ, thương hiệu 95 năm tuổi và chưa từng có vụ bê bối nào thì đây là cơ hội vàng cho Vinamilk gián tiếp thâm nhập và phát triển tại thị trường rộng lớn như Trung Quốc.
YÊN TRANG
Cải cách thể chế ít tiền nhưng khó nhất Đầu tư cải cách thể chế sẽ là hiệu quả nhất. Tuy ít tốn tiền nhưng khó nhất vì đụng tới nhiều người. Nhưng nếu không làm thì không thể phát triển. Phải thay đổi những “bệnh tật” trong môi trường đầu tư kinh doanh. Tôn trọng DN, đảm bảo trên thực tế DN được làm những gì pháp luật không cấm để DN thỏa sức sáng tạo mới có thể đột phá. Vậy nên lần này nên sửa luật DN và luật đầu tư theo hướng đó, nghĩa là DN chỉ cần mở luật ra xem cái gì cấm để tránh. TS TRẦN DU LỊCH |