Cần có hành lang pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng nhất rằng cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ, sớm được thiết lập để quản lý thị trường phi chính thức đang vận hành.

Chiều 18-8, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm "Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM)".

Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các cơ quan đều thống nhất rằng cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ để quản lý thị trường phi chính thức đang vận hành.

Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, đại diện VCCI, chuyên gia tư vấn về thuế cho biết đang gặp lúng túng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến sản phẩm này.

Khung pháp lý về quản lý TLTHM đang trống

TLTHM gồm 2 loại là thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN), trong đó TLĐT được sử dụng phổ biến hơn.

“Do vậy, để xây dựng các quy định về quản lý TLTHM, nên tập trung vào TLĐT. Tuy nhiên, việc quản lý TLĐT hiện chưa được quy định trong các văn bản, quy phạm pháp luật”- ông Phạm Đình Thưởng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, cho biết.

Các chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: THANH TÚ

Theo ông Thưởng, có thể nói các sản phẩm hiện đang lưu hành trên thị trường là hàng nhập lậu. Trong khi đó, số lượng người sử dụng ngày càng tăng. Điều này gây tiềm ẩn nguy cơ đối với cả người tiêu dùng và thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên về việc nhu cầu sử dụng TLTHM ngày càng tăng cao, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm về vấn đề này, có nguyện vọng kinh doanh, sản xuất các thiết bị điện tử được dùng trong TLTHM. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn do khung khổ pháp lý chưa đầy đủ.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải, khi nói TLĐT và TLLN thì đã mặc định rằng đây là 2 loại thuốc lá. Đồng thời khẳng định 100% người hút thuốc lá truyền thống đều thỏa mãn được cảm giác muốn hút thuốc khi sử dụng TLTHM, nguyên liệu và hình thức sản phẩm cũng đảm bảo định nghĩa về thuốc lá theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP, do vậy đủ điều kiện để quản lý theo luật hiện hành đối với thuốc lá.

“Không thể nói rằng khung pháp lý bị trống, vì đã có luật và quy định”, ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Hải, dù chưa có quy định được phép kinh doanh, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm này, nhưng sản phẩm cũng không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm.

Tuy nhiên, từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, mặc dù đây không phải hàng hóa nằm trong danh mục bị cấm, nhưng không thể xin cấp giấy phép kinh doanh đối với mặt hàng này do Bộ Công Thương từ chối vì sản phẩm chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh.

“Mặc dù luật không cấm, nhưng cũng không văn bản, quy phạm pháp luật nào cho phép sản xuất, kinh doanh. Nếu TLĐT không có lá thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, vậy làm sao để xác định đây là sản phẩm thuốc lá để áp dụng quy định hiện hành?”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nêu ý kiến.

Cần có quy định về TLTHM

Mặc dù chưa có chính sách quản lý TLTHM nhưng mặt hàng này vẫn được bày bán công khai, phần lớn là hàng xách tay không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc.

Việc mua bán mất kiểm soát đang tạo gánh nặng cho các cơ quan quản lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng.

“Nhu cầu sử dụng và kinh doanh TLTHM là có thật, nhưng mặt hàng này không nằm trong danh mục cấm, cũng chưa được xác định là sản phẩm thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nếu chỉ dựa vào các quy định quản lý thuốc lá hiện hành thì chưa đủ”- ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nói.

Theo ông Dương, cách tốt nhất để xử lý là phải có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 81 vụ trên địa bàn Hà Nội, tương đương 19.776 sản phẩm TLTHM, giá trị tang vật là hơn 5,1 tỉ đồng, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỉ đồng. Các sản phẩm bị xử lý với kết luận của cơ quan chức năng là sản phẩm nhập lậu thiếu giấy tờ, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

“Chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình xác định loại hàng hóa này là hàng hóa gì. Cần phải định danh các sản phẩm này càng sớm càng tốt”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo tổ chức WHO, trên thế giới có 121 quốc gia có quy định về sử dụng TLĐT và TLLN, trong đó 87 nước cho phép lưu hành. Việt Nam hiện có khoảng 15,4 triệu người hút thuốc, trong đó một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã tiếp tục tìm đến TLTHM.

Tại tọa đàm, các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách quản lý TLTHM đồng bộ và đồng thời với các quy định minh bạch, giải quyết đúng thực trạng thị trường hiện nay, đảm bảo khả năng bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

“TLTHM có gây hại cho sức khỏe, nhưng có khả năng giảm thiểu rủi ro cho người đang sử dụng thuốc lá truyền thống và những người xung quanh. Vì vậy không nên cấm, cũng không thể cấm được”, bà Nguyễn Thị Cúc nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới