Ngày 12-6, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học hướng đến hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Cần có quy định về thủ tục giải quyết vụ kiện có nhiều nguyên đơn
Theo Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chánh án TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), trừ các quy định về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Bộ luật Lao động năm 2019, pháp luật tố tụng dân sự tại Việt Nam không có quy định nào về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể và đại diện theo pháp luật trong vụ kiện tập thể.
Thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm với số lượng rất lớn bị hại như: Vụ án Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán; vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba với hơn 4.500 bị hại; tranh chấp dân sự liên quan đến dự án nhà ở trên cả nước với số lượng nguyên đơn cùng kiện một chủ thể, cùng một loại hợp đồng và nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng hàng hóa, ô nhiễm môi trường…
Trong khi đó, bằng cách hợp nhất nhiều vụ kiện hoặc một vụ kiện nhiều nguyên đơn thành một vụ kiện sẽ tránh được các thủ tục tố tụng lặp đi lặp lại không cần thiết. Ngoài lợi ích kinh tế còn thể hiện ở việc tránh khả năng đưa ra các quyết định không nhất quán về cùng một vấn đề trong các thủ tục tố tụng khác nhau.
Bằng cách tổng hợp tất cả các yêu cầu của nguyên đơn trong một thủ tục tố tụng, bị đơn có thể đạt được kết quả cuối cùng đối với tất cả các hành động trong tương lai, thay vì phải tuân thủ một số vụ kiện lặp đi lặp lại. Nhờ vậy, bị đơn có thể yên tâm cho công việc và kinh doanh thay vì theo đuổi các vụ kiện nhỏ lẻ, mất thời gian, công sức.
Mặt khác, các vụ kiện tập thể mang tới một sự đại diện công bằng trong xã hội, nhất là đại diện cho những chủ thể yếu thế, không đủ điều kiện khởi kiện để tự bảo vệ mình. Người dân có khả năng tiếp cận hệ thống pháp luật dễ dàng hơn.
Theo thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng, cần phải xây dựng quy định pháp luật tố tụng về thủ tục giải quyết các vụ kiện tập thể. Đầu tiên, phải được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự về phương thức đại diện đặc biệt này. Trước mắt xây dựng trình tự, thủ tục đại diện cho các tranh chấp điển hình như chứng khoán, tiêu dùng, môi trường...
Không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án: có thể bị xử lý hình sự
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Ths Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ. Đương sự còn có thể đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu trữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình nhằm đảm bảo quá trình giải quyết vụ án đúng đắn.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ sẽ phát cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng (Mức phạt này sẽ gấp đôi đối với tổ chức).
Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 BLHS, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.