Trách nhiệm hiến pháp và tính phù hợp về hình thức xử lý kỷ luật đối với quan chức về hưu

(PLO)- Cần đảm bảo nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề Mối liên hệ giữa trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết hội thảo là nơi tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn có môi trường thảo luận về trách nhiệm hiến pháp, hành pháp và chính sách công. Từ đó có những tham mưu, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

hiến pháp
Toàn cảnh hội thảo tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM. Ảnh: SONG MAI

Phát biểu tại hội thảo, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết trách nhiệm hiến pháp với tư cách những hậu quả bất lợi mà chính quyền buộc các chủ thể vi phạm hiến pháp phải gánh chịu hầu như chỉ đề cập trong một số chuyên khảo hoặc tạp chí khoa học.

Việc kém phổ biến trách nhiệm hiến pháp có thể xuất phát từ việc chủ thể tham gia quan hệ trách nhiệm hiến pháp chủ yếu là cơ quan nhà nước và người giữ chức vụ nhà nước…

Hiến pháp năm 2013 quy định trách nhiệm hiến pháp đối với các chức danh cao cấp của Quốc hội và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập, thẩm phán, tướng lĩnh các lực lượng vũ trang, quan chức ngoại giao, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thực tiễn truy cứu trách nhiệm hiến pháp bằng hình thức miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức đối với người giữ chức vụ cao cấp của nhà nước những năm qua cho thấy một số bất cập về xử lý kỷ luật đối với một số người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng khi đã hết nhiệm kỳ hoặc về hưu.

Bởi vì, một người đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì không còn là cán bộ, công chức; không còn giữ chức vụ, không còn trong biên chế và cũng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó cũng đặt ra vấn đề về tính phù hợp về hình thức xử lý kỷ luật đối với những người này. Và điều này chỉ có thể được giải quyết thấu đáo nếu áp dụng trách nhiệm hiến pháp.

Bên cạnh đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm là một thủ tục để Quốc hội thực hiện quyền miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi người đó không xứng đáng với trọng trách được trao. Tuy đây không phải là một hình thức trách nhiệm hiến pháp nhưng việc thể chế hóa hoạt động này góp phần quan trọng để truy cứu trách nhiệm hiến pháp.

hiến pháp
Ths Lưu Đức Quang, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM. Ảnh: SONG MAI

ThS Lưu Đức Quang đề nghị cần minh định hình thức xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước là một biện pháp trách nhiệm hiến pháp nhằm khắc phục lỗ hổng trong vấn đề xử lý kỷ luật đối với một số người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm khi đã hết nhiệm kỳ, về hưu; Cũng như đảm bảo nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.

Bên cạnh đó, cần rành mạch và hợp lý hệ quả pháp lý của hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhằm hướng tới việc xác định rõ trách nhiệm hiến pháp đối với chủ thể này.

Trách nhiệm hiến pháp cũng phát sinh khi chủ thể phạm tội

Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp, Trường Đại học Luật TP.HCM, Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý. Về bản chất, xử lý vi phạm hiến pháp chính là truy cứu một loại trách nhiệm gọi là trách nhiệm hiến pháp.

Những biện pháp xử lý trách nhiệm hiến pháp cụ thể được Luật Hiến pháp các nước cũng như Luật Hiến pháp Việt Nam quy định gồm: Bãi bỏ văn bản trái hiến pháp, phế truất tổng thống, giải tán nghị viện, hủy kết quả trưng cầu ý dân, tước các phần thưởng và các danh hiệu vinh dự nhà nước…

Với một số biện pháp xử lý vi phạm hiến pháp nói trên, có thể thấy biện pháp xử lý trách nhiệm pháp lý hiến pháp là chủ yếu. Tuy nhiên, trách nhiệm hiến pháp cũng phát sinh khi chủ thể phạm tội hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác. Tương tự như cán bộ, công chức nếu phạm tội hay vi phạm hành chính thì ngoài trách nhiệm hành chính còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật.

Có thể định nghĩa trách nhiệm hiến pháp là một loại trách nhiệm pháp lý, thể hiện bằng các biện pháp cưỡng chế được Luật Hiến pháp quy định, có thể áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hiến pháp hoặc trong một số trường hợp có thể đồng thời áp dụng khi chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm