Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và minh định nhiều vấn đề quan trọng trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi quyền con người. Điều này được thể hiện mạnh mẽ qua bốn điều cốt lõi sau:
Lần đầu tiên quyền con người được nêu trong Hiến pháp
Thứ nhất, về mặt cấu trúc của Hiến pháp, chương V Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã được chuyển lên vị trí chương II Hiến pháp năm 2013 và đổi tên thành: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trật tự này biểu hiện sự hồi sinh tinh thần nhân đạo của Hiến pháp năm 1946.
Bên cạnh đó, các nhà lập hiến đã chính thức sử dụng thuật ngữ “quyền con người” không chỉ trong việc đặt tên chương mà còn hiến định rất cụ thể chủ thể của quyền con người (với tư cách là quyền của mọi người) cũng như quyền công dân (với tư cách là quyền của người mang quốc tịch Việt Nam). Diễn ngôn này hết sức quan trọng bởi trước đó, Hiến pháp năm 1992 đã quy đồng chủ thể của quyền con người với chủ thể của quyền công dân khi khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân…” (Điều 50).
Thứ hai, các nguyên tắc Hiến pháp về nhân quyền đã được hệ thống hóa một cách đầy đủ, chặt chẽ hơn và có thể được liệt kê thành bốn nguyên tắc sau đây: (1) Trách nhiệm của Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (2) Tiêu chí về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; (3) Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; (4) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Đặc biệt, nguyên tắc về giới hạn quyền hay tiêu chí về hạn chế quyền mà Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc vận dụng tinh thần của Luật Nhân quyền quốc tế: Cân bằng giữa trọng trách tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người với chức năng quản lý xã hội của chính quyền trong điều kiện áp đặt những giới hạn đối với một số quyền trong các tình huống nhất định.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn ngừa khả năng biểu hiện cực đoan trong việc thụ hưởng quyền cũng như ngăn chặn khả năng tùy tiện hạn chế các quyền hiến định của bất cứ thực thể nào. Mức độ cần thiết, lý do, phương tiện và chủ thể được trao thẩm quyền này đã được xác định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Nhân phẩm là giá trị cốt lõi và bất khả xâm phạm của quyền con người
Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục mở rộng phạm vi của quyền cơ bản. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên minh định nhân phẩm là một giá trị cốt lõi và bất khả xâm phạm của quyền con người: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20).
Để bảo vệ tốt hơn quyền con người
Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là sự khẳng định kết quả của đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về thành quả bảo vệ quyền con người.
Thành quả này là cơ sở thực tiễn quan trọng bước đầu để chúng ta tiếp tục hoàn thiện lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người của người dân, giá trị quyền con người của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
TS PHAN ANH TUẤN
Nhân phẩm như là đặc tính bẩm sinh của con người. Do vậy, nó phải được Nhà nước thừa nhận chứ không phải được Nhà nước tạo ra rồi ban cho người ta bằng Hiến pháp. Ngày nay, nhân phẩm đã được xem là chuẩn mực pháp lý toàn cầu; tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm là thước đo tính chính danh, chính đáng của mọi chính quyền trong xã hội văn minh.
Bên cạnh đó, các nhà lập hiến đã bổ sung một số quyền mới, sửa đổi nhiều quyền khác phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Điển hình như các quy định về quyền sống (Điều 19); quyền tiếp cận thông tin (Điều 25); quyền bình đẳng giới (Điều 26); quyền tố tụng công bằng trong tư pháp hình sự (Điều 31); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43)…
Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 củng cố mạnh mẽ cơ chế thực hiện nhân quyền. Hội đồng Bầu cử quốc gia - một thiết chế hiến định độc lập ra đời nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Đây cũng là tiền đề để thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân.
Cùng với việc khẳng định bảo vệ Hiến pháp là một nguyên tắc hiến định, các nhà lập hiến cũng để ngỏ khả năng luật hóa cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Một cơ quan tài phán Hiến pháp nếu được hình thành từ cơ chế này trong tương lai chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào sự nghiệp tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm nhân quyền; bởi suy cho cùng, bảo hiến chính là bảo vệ các quyền hiến định.
Các thiết chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
Quốc hội: Với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc, quy định, chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn.
Các cơ quan tư pháp: Thực tiễn cho thấy hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, tự do, dân chủ của người dân, theo nghĩa cả hai mặt, có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm quyền con người nhưng đồng thời cũng rất dễ vi phạm quyền con người trong quá trình thực thi công vụ. Hoạt động của tòa án và VKS là hai cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người nhưng nếu không đủ “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” rất dễ vi phạm quyền con người và có thể dẫn tới oan, sai. Yêu cầu đặt ra là hoạt động tư pháp phải có “trọng trách” bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Các thiết chế xã hội khác: Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên …
TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM