Hội thảo khoa học 'Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành'

(PLO)- Cụ thể hóa việc “ủy quyền lập pháp của Quốc hội”, nâng cao vai trò của tòa án là các giải pháp được đưa ra nhằm kiểm soát tốt hơn quyền lực của Nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-10, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học: “Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành”.

Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh Hiến pháp 2013 đã có nhiều điểm mới tiến bộ, mang tính nhân văn và là thành tựu lý luận, pháp lý của Đảng và Nhà nước sau 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, trước tình hình mới cũng như yêu cầu của thực tiễn, Hiến pháp cần có động lực để đi tiếp chặng đường sắp tới.

“Để có một chặng đường mới thành công hơn, xứng đáng với nhiệm vụ là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, với nhiều tâm huyết và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước thì việc đánh giá, chỉ rõ những bất cập, vướng mắc, thậm chí là những mâu thuẫn, những tồn tại của chính bản thân Hiến pháp và các văn bản pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp thời gian qua là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách” - TS Sơn nói.

p7-anh-bai-Hienphap-quy.jpg
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: DI LINH

Cụ thể hóa việc “ủy quyền lập pháp của Quốc hội”

Tại hội thảo, GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng các quy định về quyền con người, quyền công dân do luật quy định, chứ không thể để các văn bản dưới luật quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các luật có quy định “giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành”. Vấn đề này cần sự kiểm soát chặt chẽ.

Theo GS-TS Đường, “ủy quyền lập pháp của Quốc hội” cần cụ thể hóa phạm vi, nội dung ủy quyền, chứ không thể ghi trong luật một câu đơn giản là “Chính phủ quy định chi tiết, tổ chức thực hiện điều luật này”. Cần phải nói rõ phạm vi, nội dung “quy định chi tiết”.

“Vẫn còn tình trạng các luật có quy định “giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành”. Vấn đề này cần sự kiểm soát chặt chẽ.”

GS-TS Trần Ngọc Đường

Cũng theo ông, quyền lập pháp là quyền nguyên bản, là quyền được nhân dân trao cho. Bản thân quyền lực nhà nước đã có sự thống nhất và muốn kiểm soát quyền lực nhà nước thì phải phân công một cách minh bạch.

Nghị quyết 27-NQ/TW (về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới) đã nhấn mạnh việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cơ chế nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước thể hiện ở việc với tư cách là công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thì thể hiện ở chỗ kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngoài ra còn là cơ chế kiểm soát nội bộ bên trong mỗi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nâng cao vai trò của tòa án

Cũng tại hội thảo, ThS Lưu Đức Quang, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng cần nâng cao vai trò của tòa án trong việc kiểm soát quyền lập pháp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Cụ thể, về mặt hiến định, TAND chưa được trao thẩm quyền kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật.

Do vậy, Luật Tổ chức TAND hiện hành chỉ cho phép “trong quá trình xét xử vụ án, tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội… để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.

ThS Quang cho rằng việc mở rộng thẩm quyền tư pháp của TAND phù hợp với giải pháp cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, cũng như tạo tiền đề đột phá trên con đường xây dựng một nền tài phán Hiến pháp (bảo vệ Hiến pháp thông qua hoạt động xét xử của tòa án) ở nước ta. Đây là xu hướng tiến bộ của các thể chế pháp quyền đương đại.

Ba kiến nghị để tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước

Thứ nhất, cần tăng cường tính thực quyền trong hoạt động giám sát của Quốc hội với tòa án, bãi bỏ một số hoạt động giám sát mang tính hình thức, khó khả thi.

Thứ hai, khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa quy định pháp luật về chức năng giám sát của Quốc hội với tòa án.

Thứ ba, phải tránh tình trạng thiết kế quá nhiều thẩm quyền cho chủ thể kiểm soát, xem nhẹ vai trò của nguyên tắc phân công, phối hợp quyền lực nhà nước khi xây dựng cơ chế kiểm soát quyền tư pháp.

TS DƯƠNG HỒNG THỊ PHI PHI,Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm