Sáng 16-10, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học: “Hiến pháp 2013 – 10 năm triển khai thi hành”.
Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường, nhấn mạnh Hiến pháp 2013 đã có nhiều điểm mới tiến bộ, mang tính nhân văn và là thành tựu lý luận, pháp lý của Đảng và Nhà nước sau 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, trước tình hình mới cũng như yêu cầu của thực tiễn, Hiến pháp cần có động lực để đi tiếp chặng đường sắp tới.
“Tiếp đó, để có một chặng đường mới thành công hơn, xứng đáng với nhiệm vụ là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, với nhiều tâm huyết và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước thì việc đánh giá, chỉ rõ những bất cập, vướng mắc, thậm chí là những mâu thuẫn, những tồn tại của chính bản thân Hiến pháp và các văn bản pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp thời gian qua là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách”, TS Sơn nói.
Tại hội thảo, TS Dương Hồng Thị Phi Phi (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã trình bày tham luận “Vấn đề kiểm soát giữa cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp 2013”.
TS Phi đã chỉ ra những hạn chế của cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước. Từ đó, đưa ra các kiến nghị.
Thứ nhất, cần tăng cường tính thực quyền trong hoạt động giám sát của Quốc hội với tòa án, bãi bỏ một số hoạt động giám sát mang tính hình thức, khó khả thi.
Thứ hai, khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa quy định pháp luật về chức năng giám sát của Quốc hội với tòa án.
Thứ ba, phải tránh tình trạng thiết kế quá nhiều thẩm quyền cho chủ thể kiểm soát, xem nhẹ vai trò của nguyên tắc phân công, phối hợp quyền lực Nhà nước khi xây dựng cơ chế kiểm soát quyền tư pháp.
Theo đó, trong thời gian tới, khi sửa đổi các luật tố tụng, cần cân nhắc không trao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong việc kiểm soát đối với các vụ án cụ thể bằng quyền yêu cầu, kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tiến tới loại bỏ thủ tục đặc biệt này trong quy định của các luật tố tụng... Có như vậy mới bảo đảm vị thế cân bằng của các cơ quan trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, bảo đảm tính độc lập trong thực hiện chức năng xét xử của tòa án...
Ban tổ chức mong muốn hội thảo lần này sẽ đóng góp những kiến nghị pháp lý cụ thể, khoa học và khả thi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm góp phần đổi mới, hoàn thiện Hiến pháp và đẩy mạnh việc triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới.