TAND Tối cao giải đáp trường hợp phạm tội với người già yếu

(PLO)- Người đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND Tối cao đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về tình tiết phạm tội với người già yếu.

Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Định gửi kiến nghị với nội dung: Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tình tiết phạm tội với người già yếu được quy định là tình tiết định khung của một số tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản giải thích thế nào là người già yếu.

Do đó, cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật.

người già yếu
Một bị cáo lớn tuổi bị đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Theo Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, người đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau.

Về vấn đề này, TAND Tối cao cho biết trong quá trình triển khai thi hành BLHS, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, Nghị quyết 03/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù... đã hướng dẫn tình tiết đã quá già yếu như sau:

Đã quá già yếu quy định tại Điều 64 BLHS là người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau:

- Từ đủ 70 tuổi trở lên.

- Từ đủ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau, phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục từ ba tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên (mỗi lần từ 01 tháng trở lên), không có khả năng tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bệnh viện.

Cạnh đó, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại đã hướng dẫn trường hợp người đã quá già yếu như sau:

Người đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau.

Trong thời gian tới, TAND Tối cao sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn xét xử để ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về các vấn đề vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xét xử để thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm