Cần giải quyết dứt điểm việc phân bổ gói 62.000 tỉ đồng

“Tại một số địa phương, việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 còn chậm. Tôi đồng tình việc hỗ trợ này chưa có tiền lệ nhưng nhiều địa phương thận trọng quá mức. Sợ sai là tốt nhưng chúng ta sợ quá mức dẫn đến trì trệ thì phải xem lại…” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Theo đó, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm việc phân bổ tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp. “Tôi không muốn các tỉnh dùng báo cáo có từ cơ bản hoàn thành. Ở đây không có “cơ bản” mà phải trả lời là “hoàn thành”” - ông Dung nhấn mạnh.

Cạnh đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu các tỉnh quan tâm thêm các đối tượng đang gặp khó khăn do dịch, như hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng…

Riêng việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động (gói 16.000 tỉ đồng), Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ. Cụ thể là giảm các tiêu chí để doanh nghiệp vay vốn. “Tinh thần sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nhưng phải giám sát chặt để không xảy ra tiêu cực” - ông Dung nói.

Về việc tổ chức lễ kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), ông Đào Ngọc Dung khẳng định Chính phủ đã ban hành nghị quyết và bộ cũng có kế hoạch triển khai gửi lãnh đạo các địa phương. Vì vậy, ông yêu cầu các địa phương không được quan niệm ngày 27-7 là năm lẻ hay chẵn.

“Đối với người có công với cách mạng, lúc nào cũng phải làm tốt nhất công tác tri ân. Lễ năm nay, các địa phương khó khăn đến mấy, tốn kém đến mấy phải đưa tất cả mẹ Việt Nam anh hùng về thủ đô dự lễ…” - ông Dung nói.

Tuy nhiên, trước dịp lễ, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Với trường hợp không thể thoát nghèo được do bệnh tật, địa phương cần sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ.

“Đến nay có hơn 99% người có công với cách mạng có mức sống ngang hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Giờ chỉ còn vài hộ nữa, chúng ta phải tập trung giải quyết, không thể để bao nhiêu năm giải phóng mà người có công lại có mức sống thấp hơn trung bình thì coi sao được, ai nghe được day dứt lắm…” - ông Dung nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm