Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Thủ tướng về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, trong quá trình thực hiện, tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận có một số sai phạm.
Lãnh đạo xã đưa người nhà vào danh sách hộ nghèo
Cụ thể, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Đặc biệt, tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa xảy ra chuyện đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.
Với những sai sót trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.
Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và bí thư đoàn xã.
Còn tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ cho sáu người nghèo. Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.
Một số địa phương bắt đầu thực hiện chi trả tiền cho lao động tự do. Ảnh: VIẾT LONG
TP.HCM triển khai hỗ trợ cho lao động tự do
Về kết quả chi trả tiền hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tính đến ngày 20-5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng. Trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Hiện đã chi trả được trên 6,7 triệu đối tượng chính sách với kinh phí thực hiện khoảng 7.126 tỉ đồng, đạt 59% số đối tượng được phê duyệt.
Người lao động trong doanh nghiệp (DN), lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người. Trong đó, TP.HCM phê duyệt danh sách và chi trả cho 1.202 đối tượng này với số tiền 1,417 tỉ đồng… “Như vậy, tổng số tiền đã chi hỗ trợ các đối tượng đến ngày 20-5 là 17,5 nghìn tỉ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỉ đồng)…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận công tác chi trả tại một số địa phương còn chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát. Một số tỉnh lại quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót, dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ.
Ngoài ra, việc triển khai vay trả lương của các DN chưa nhiều một phần do các DN bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các DN còn tích lũy kinh phí để trả lương. Mặt khác, do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến cho DN e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xong trong tháng 5. Các nhóm đối tượng khác khẩn trương theo lộ trình hồ sơ phê duyệt.
“Cạnh đó, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có)” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có chín địa phương gồm TP.HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai đã chi hỗ trợ 50.335 người bán lẻ vé số lưu động với tổng kinh phí chi trả hơn 45,2 tỉ đồng. |