Cần giám đốc thẩm vụ cụ 94 tuổi cho con nhà, đất rồi trắng tay

Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho nếu điều kiện không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội.

Dễ gặp rắc rối pháp lý vì cả nể “người nhà với nhau”

Thực tế, nhiều người, đặc biệt là người già thường xuyên lập hợp đồng cho người thân bất động sản với điều kiện chăm sóc người tặng cho hay người thân của người tặng cho.

Cụ Phát và người vợ tâm thần cho con tài sản với mong muốn
được con phụng dưỡng tới phút lâm chung. Ảnh: TRẦN VŨ

Loại điều kiện này đã được Án lệ 14/2017/AL công nhận tính hợp pháp. Tuy nhiên, có thể do sự hiểu biết pháp lý hoặc sự tin tưởng hay sự cả nể giữa người trong nhà với nhau nên người tặng cho thường không yêu cầu nêu rõ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trong văn bản tặng cho, dẫn đến phát sinh tranh chấp về việc có tồn tại hay không điều kiện tặng cho.

Đó cũng là vấn đề trong vụ án của cụ Phát mà tòa án hai cấp đã có hướng xử lý khác nhau. Trong khi tòa cấp sơ thẩm theo hướng tồn tại điều kiện tặng cho thì tòa cấp phúc thẩm theo hướng ngược lại với lý do không có biên bản họp gia đình, hợp đồng tặng không ghi là tặng cho có điều kiện.

Cấp giám đốc thẩm cần xét lại bản án phúc thẩm

Theo tôi, bản án phúc thẩm có điểm không hợp lý nên cần xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm, bởi những lý do sau:

Thứ nhất, ở thời điểm bà Tiến lập tặng cho ông Việt, vợ chồng ông Việt đã về chăm sóc vợ chồng cụ Phát nên có thể hiểu việc chăm sóc là đương nhiên, không cần nêu vào văn bản tặng cho.

Thứ hai, thông tin cho thấy tài sản mà cụ Phát tặng cho bà Tiến và sau đó bà Tiến tặng cho người anh là ông Việt (một phần) là toàn bộ tài sản còn lại của vợ chồng cụ Phát. Trong trường hợp như vậy, rất khó để cho rằng người cao tuổi tặng cho mà không có điều kiện nào. Thực tế, một vụ án với hoàn cảnh tương tự vụ này đã có quyết định giám đốc thẩm xác định điều kiện tồn tại mặc dù văn bản tặng cho không nêu điều kiện.

Thứ ba, BLDS không đòi hỏi điều kiện tặng cho phải thể hiện dưới dạng văn bản nên điều kiện tặng cho có thể tồn tại mà không có văn bản, nhất là khi có nhiều người làm chứng như trong vụ án này. Do đó, dù cuộc họp gia đình về việc cụ Phát tặng cho con nhà để được con nuôi dưỡng không được ghi lại bằng biên bản nhưng tòa vẫn có thể xác định cuộc họp gia đình tồn tại và nội dung cuộc họp thể hiện việc tặng cho là có điều kiện chăm sóc.

Thứ tư, sau khi việc tặng cho giữa bà Tiến và ông Việt diễn ra, ông Việt có ký văn bản cam kết chăm sóc vợ chồng cụ Phát. Do đó, đây là một căn cứ để từ đó suy luận thực chất có điều kiện chăm sóc.

Lúc này, có thể áp dụng tinh thần Án lệ 14/2017/AL để xác định tặng cho là có điều kiện chăm sóc, mặc dù điều kiện không được thể hiện trong chính văn bản tặng cho. Cụ thể, Án lệ 14/2017 đã xét rằng “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Trường hợp này tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện”.

Với án lệ này, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng vẫn có thể tồn tại trong quan hệ tặng cho mặc dù trong văn bản tặng cho không nêu điều kiện tặng cho.

Số báo trước, chúng tôi thông tin về việc cụ Nguyễn Văn Phát, 94 tuổi, ở Cà Mau cho con nhà với mong muốn được con phụng dưỡng tới phút lâm chung. Tuy nhiên, vì những mâu thuẫn gia đình, người con sau đó không ở cùng chăm lo cho vợ chồng cụ.

Hai cấp tòa tại tỉnh Cà Mau đã có phán quyết trái ngược nhau về hợp đồng tặng cho đất của cụ. Trong khi cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng tặng cho vì người con vi phạm nghĩa vụ chăm sóc thì cấp phúc thẩm lại xác định đây không phải hợp đồng tặng cho có điều kiện.

Số báo này chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ án này. 

Cẩm nang pháp lý cho người già khi tặng cho tài sản

Tranh chấp về sự tồn tại hay không tồn tại điều kiện trong hợp đồng tặng cho bất động sản như nêu trên rất phổ biến, xuất phát từ việc soạn thảo hợp đồng tặng cho không chặt chẽ. Do đó, phía người tặng cho nên cẩn trọng khi lập hợp đồng tặng cho và nên nêu rõ điều kiện tặng cho trong văn bản tặng cho để tránh rắc rối như vụ việc trên.

Thực tiễn, có trường hợp cha mẹ, ông bà chuyển cho con hay cháu bất động sản của mình mà không thông qua hợp đồng tặng cho nhưng thông qua di chúc. Chẳng hạn, người có tài sản là A lập di chúc tài sản cho B với điều kiện B chăm sóc người lập di chúc khi còn sống. Di chúc như vậy an toàn cho người già có tài sản hơn.

Thực tế, khác với tặng cho, lập di chúc với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng mang lại hai ích lợi cho người cao tuổi muốn nhận được sự chăm sóc từ người nhận tài sản của mình. Với việc lập di chúc, việc chuyển quyền sở hữu tài sản của người cao tuổi sang cho con, cháu chỉ diễn ra sau khi người lập di chúc (là người có tài sản) chết. Như vậy sẽ tránh được việc phải kiện tụng yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho để đòi lại tài sản khi xảy ra vấn đề vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Cạnh đó, nếu người được nêu trong di chúc không thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc thì không được hưởng di sản theo di chúc nên việc này sẽ thúc đẩy họ duy trì việc chăm sóc khi người có tài sản còn sống. Như vậy sẽ tránh được chuyện con, cháu sau khi nhận quyền sở hữu tài sản từ hợp đồng tặng cho thay đổi thái độ và không chăm sóc nữa.

Vì vậy, việc lập di chúc thay vì làm hợp đồng tặng cho với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là cách tốt để người già bảo vệ quyền lợi của mình, thúc đẩy người muốn nhận tài sản duy trì việc phụng dưỡng.

 

Mong mỏi được con phụng dưỡng của cụ già 94 tuổi

Cụ Phát và người vợ tâm thần 90 tuổi ở Cà Mau tuổi già, sức yếu, cho con tài sản với mong muốn dựa vào con, được con phụng dưỡng tới phút lâm chung. Ngày 13-12-2016, vợ chồng cụ ký hợp đồng tặng cho con gái toàn bộ tài sản của mình, bao gồm 685,6 m2 đất và nhà cửa trên đất mà cụ đang ở.

Hai tháng sau, bà Tiến họp gia đình thông báo việc bà bệnh nhiều, không thể phụng dưỡng cha mẹ. Cụ Phát kêu con gái làm thủ tục tặng cho vợ chồng anh ruột là Nguyễn Văn Việt phần đất 477,2 m2 để vợ chồng người anh gánh trách nhiệm phụng dưỡng.

Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Việt bỏ đi, không chăm sóc cha mẹ nữa, cũng không đồng ý trả lại tài sản do bà Tiến tặng cho nên cụ Phát khởi kiện đòi lại. Cụ đề nghị tòa hủy một phần hợp đồng tặng cho giữa cụ với bà Tiến và hủy hợp đồng tặng cho giữa bà Tiến với anh mình.

 Ngày 24-11-2020, TAND TP Cà Mau nhận định vợ chồng cụ Phát cho tài sản không ngoài mục đích có người chăm sóc lúc già yếu. Dù hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện này nhưng có nhiều nhân chứng. Việc trả lại tài sản cho cụ Phát là đúng pháp luật, hợp đạo lý.

Ngày 25-3-2021, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm đã bác yêu cầu của cụ Phát với lập luận rằng không có biên bản họp gia đình, hợp đồng tặng cho giữa bà Tiến qua ông Việt không ghi là tặng cho có điều kiện. Các nhân chứng trong cuộc họp gia đình có lời khai, tường thuật không khớp nhau về việc ông Việt hứa phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.

Hiện nay, cụ Phát đã có đơn đề nghị cấp giám đốc thẩm xem xét lại bản án phúc thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của cụ.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới