Mẹ kiện con đòi đất vì không chăm sóc

Mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà LTB với con trai là ông VTL.

Vi phạm thỏa thuận chăm sóc

Trong đơn khởi kiện, bà B. trình bày: Nguồn gốc mảnh đất đang tranh chấp (diện tích khoảng 8.000 m2) tại huyện Cao Lãnh là của vợ chồng bà mua từ người khác. Năm 1994 chồng bà chết, bà tiếp tục sử dụng đất và đứng tên trong giấy đỏ.

Năm 2009, bà kêu ông L. về canh tác mảnh đất với điều kiện là phải chăm sóc bà. Sau đó, bà lập di chúc để lại toàn bộ mảnh đất trên cho ông L. thừa kế sau khi bà qua đời. Đến năm 2012, bà lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L. nên ông được đứng tên trong giấy đỏ.

gần đây ông L. và vợ con không chăm sóc bà như thỏa thuận. Bà phải tự lo cuộc sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Bức xúc, bà yêu cầu gia đình ông L. trả lại đất nhưng ông L. không chịu. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu TAND huyện Cao Lãnh buộc gia đình ông L. phải trả lại mảnh đất bà đã tặng cho, đồng thời hủy giấy đỏ mà ông L. đứng tên.

Làm việc với tòa, ông L. thống nhất về nguồn gốc đất như bà B. trình bày. Tuy nhiên, ông khai thêm là năm 2009 mẹ ông kêu ông về sống chung để nuôi bà. Khi về sống chung thì có thỏa thuận là ông L. được canh tác toàn bộ mảnh đất đang tranh chấp nhưng hằng năm phải giao cho mẹ 100 giạ lúa để bà sinh hoạt. Từ khi thỏa thuận xong thì hằng năm ông đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho mẹ như cam kết. Tuy nhiên, ông không sống chung với mẹ mà sống cách bà khoảng 10 km và có thăm nom bà mỗi tháng một lần. Mẹ ông sống với con gái của ông nên ông có đưa thêm gạo và đồ sinh hoạt cho mẹ.

Ông L. khai do ông và em trai có mâu thuẫn nên bà B. không sống chung với con gái của ông nữa mà về sống chung với anh em của ông, không biết lý do gì mà bà lại khởi kiện đòi đất. Khi hòa giải tại địa phương, ông có đồng ý trả lại 2.600 m2 đất nhưng hòa giải không thành. Nay ông không đồng ý trả lại đất cho mẹ.

Hai cấp tòa đều buộc trả đất

Đầu năm 2018, TAND huyện Cao Lãnh đã xử sơ thẩm, tuyên buộc gia đình ông L. phải trả lại toàn bộ mảnh đất mà bà B. tặng cho. Ông L. có nghĩa vụ lập thủ tục sang tên mảnh đất trên cho bà B đứng tên. Tòa cũng đình chỉ xét xử đối với yêu cầu hủy giấy đỏ của bà B. do bà rút yêu cầu.

Ông L. kháng cáo. Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định: Mặc dù hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất năm 2012 giữa hai bên không thể hiện điều kiện là bà B. tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L. thì ông L. phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bà B. đến cuối đời. Tuy nhiên, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, ông L. thừa nhận là bà B. tặng cho ông quyền sử dụng đất là có điều kiện, theo đó ông phải nuôi dưỡng, chăm sóc bà đến cuối đời. Ông L. cũng thừa nhận là không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ vì ông ở huyện Cao Lãnh, còn mẹ ông ở TP Cao Lãnh, khoảng một tháng ông mới đến thăm mẹ một lần.

Ông L. khai có cho con gái đến ở cùng nhà với mẹ để đi học và lo cơm nước cho bà. Tuy nhiên, việc con gái ông L. đến ở cùng nhà với bà B. thực chất là để đi học, không có thời gian, điều kiện để chăm sóc bà B. Việc con gái ông L. đến ở nhà bà B. không phải là điều kiện của bà B. khi tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L.

Như vậy, ông L. đã không thực hiện đúng thỏa thuận với bà B., vi phạm điều kiện thực hiện nghĩa vụ đối với bà B. nên việc bà yêu cầu gia đình ông trả lại đất là có cơ sở. Án sơ thẩm xử buộc gia đình ông L. trả lại cho mẹ mảnh đất trên là có căn cứ...

Quyền đòi lại tài sản tặng cho

Theo Điều 457 BLDS 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Theo Điều 459 BLDS 2015, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật…

Theo Điều 462 BLDS 2915, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội… Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm