Ngay sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT TP đã phối hợp với Sở Công Thương cùng một số địa phương triển khai luồng xanh đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Đây là luồng giao thông quan trọng, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Tuy nhiên, DN vận tải theo luồng xanh đường thủy cho rằng ngoài những ưu điểm vượt trội thì hiện nay hình thức vận tải này còn tồn tại một số bất cập.
Tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh đường thủy từ miền Tây lên TP.HCM cập bến Bạch Đằng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Vận chuyển chỉ được hai chuyến mỗi tuần
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (đơn vị vận tải hàng hóa theo luồng xanh đường thủy), cho biết: Luồng xanh đường thủy được TP triển khai là cung đường có tiềm năng cực kỳ lớn. Bởi TP.HCM và các tỉnh miền Tây có hệ thống sông ngòi dày đặc, lưu thông nhanh, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Hải nhận định khó khăn hiện nay là các cảng tiếp nhận, các phương tiện vận chuyển tới nơi tàu neo đậu và chuỗi cung ứng chưa bắt tay đồng bộ được với nhau.
Đơn cử, có những lúc tàu phải chờ đến bảy ngày mới có hàng hóa để vận chuyển, trong khi đó ước tính một ngày tàu cần chạy năm chuyến (khoảng 100 tấn) về TP.HCM.
“Hiện nay một tuần công ty chỉ vận chuyển khoảng hai chuyến, với 40 tấn/tuần, như vậy là rất thấp so với nhu cầu thực tế. Rau củ quả ở nhiều địa phương thì dư thừa mặc dù TP.HCM đang rất thiếu. Nhiều nông dân đề nghị được bán giá rẻ cho tàu vì gặp khó trong khâu vận chuyển hàng hóa ra khu tập kết” - ông Hải thông tin.
Do đó, ông Hải kiến nghị các sở, ngành TP phải bắt tay vào cuộc, tháo gỡ từng khó khăn cho người dân và DN. Đồng thời, đầu mối tại các tỉnh cần thu xếp, thu gom nông sản để đưa ra bến, cảng. Bởi trên thực tế nhiều người dân không đưa hàng hóa ra cảng được, còn các siêu thị lại chỉ mong muốn nhận hàng tại kho của mình.
“Bộ GTVT, lãnh đạo các tỉnh, thành cần có tác động với người cung ứng, logistics, siêu thị, các bên cùng kết hợp… Phải như vậy thì vận tải đường thủy mới mang lại hiệu quả và thu hút các DN tham gia” - ông Hải kiến nghị.
Chính sách kiểm soát dịch mỗi nơi mỗi khác
Ông Nguyễn Kim Toản, chuyên gia giao thông đường thủy, cho rằng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có ưu điểm là chở được nhiều. Tuy nhiên lại gặp khó khăn khi không thể đi sâu vào từng nhà vườn, gặp khó khăn trong tập kết hàng, xuống hàng và phân phối hàng cũng cần tới đường bộ. Do đó, trong tình hình cấp bách như hiện nay thì cần có sự xuyên suốt, phối hợp giữa các tỉnh, thành với nhau để bàn ra phương án hiệu quả nhất.
Theo đó, ông Toản góp ý nên áp dụng phương thức truyền thống, chính các DN logistics nên bắt tay ngay vào lúc này. Các đơn vị trên sẽ làm ngay từ khâu thu mua, vận chuyển đến khâu phân phối sản phẩm và đến từng siêu thị thì mới hiệu quả.
“Tất cả phải tuân thủ 5K và “ba tại chỗ”, Nhà nước tạo điều kiện tối đa thì các DN sẽ tham gia” - ông Toản nhấn mạnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Sở GTVT TP.HCM đánh giá vận chuyển đường thủy là thiết yếu và TP.HCM là đơn vị khởi xướng khi mở ra luồng xanh đường thủy. Một phần hàng hóa đã về TP.HCM trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, hình thức này còn đảm bảo phòng chống dịch vì người lái tàu không lên bờ, tất cả phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ngoài ra, khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn, việc áp dụng đồng bộ các tỉnh, thành sẽ nhanh hơn.
Ông An cũng nhìn nhận trong thời gian qua, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành bùng phát dịch COVID-19. Theo đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh ở mỗi tỉnh, thành cũng có sự khác nhau nên thời gian vận chuyển hàng hóa bị chậm, giảm chất lượng nông sản khi tới tay người tiêu dùng.
Ông An thông tin Bộ GTVT đang khuyến khích các tỉnh, thành nên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Tiếp theo sẽ có những chính sách rõ ràng nên sắp tới khả năng sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều DN vận tải.
Bộ GTVT cũng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh trên cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường thủy nội địa. Mục đích là tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống luồng xanh cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.
Luồng xanh đường thủy TP.HCM - miền Tây Theo Sở GTVT TP.HCM, việc áp dụng luồng xanh đường thủy đã được Sở GTVT TP triển khai nhiều tháng nay. Trong đó, sở đã phối hợp với các sở, ngành nhanh chóng làm thủ tục cấp phép cho luồng xanh từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Từ đó tạo điều kiện cho DN vận tải hoạt động, tạo nguồn cung hàng hóa ổn định cho nhiều chuỗi siêu thị trên địa bàn TP.HCM. Phương án vận chuyển luồng xanh đường thủy: Tàu cao tốc di chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM và ngược lại. Lộ trình di chuyển: Đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền - kênh Chợ Gạo - sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc) - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè - sông Sài Gòn - bến Bạch Đằng và ngược lại. |