Cần hoàn thuế nhanh để cứu doanh nghiệp

(PLO)- Có doanh nghiệp chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền lên đến 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp khác 40-50 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-11, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan 2022”. Phiên đối thoại chỉ thực sự nóng lên với những chủ đề về hoàn thuế, hóa đơn.

Chưa được hoàn thuế hàng ngàn tỉ đồng

Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay: Nhiều doanh nghiệp (DN) trong hiệp hội đang gặp khó khăn về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Nguyên nhân là vì có một công ty bị xử lý gian lận hoàn thuế và tháng 8-2021, tháng 3-2022 Tổng cục Thuế ra công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, xác minh danh sách khách mua hàng phía Trung Quốc đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của các công ty Việt Nam.

“Số thuế cần phải hoàn đến thời điểm này là khoảng 1.000 tỉ đồng và có thể là cao hơn nữa trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ chính sách liên quan đến hoàn thuế. Điều này đã diễn ra khoảng gần hai năm nay. Chúng tôi cùng đồng hành với các DN gửi các kiến nghị lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và cả Thủ tướng” - ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, nhấn mạnh.

Ông Thang Văn Thông, Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, cũng cho hay: Lượng thuế VAT mà các công ty sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỉ đồng, với hàng trăm đơn vị hiện chưa được hoàn thuế. Trong đó có công ty chưa được hoàn thuế lên tới 200 tỉ đồng, nhiều đơn vị khác chưa được hoàn với số tiền 40-50 tỉ đồng.

Theo Hiệp hội Sắn, Tổng cục Thuế đề nghị Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu xác minh tài liệu hoàn thuế của một công ty thuộc hiệp hội. Cơ quan CSĐT sau đó đã có văn bản trả lời “không có dấu hiệu tội phạm”. Thế nhưng đến thời điểm này cơ quan thuế vẫn chưa có văn bản cụ thể để trả lời cho các DN Việt Nam về hướng giải quyết chuyện này.

Phải dừng xuất khẩu vì chưa được hoàn thuế

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị: Đối với các công ty đã có kết quả trả lời của cơ quan công an thì ngay lập tức cho hoàn thuế VAT. Đối với các công ty khác, chỉ căn cứ vào các điều kiện hoàn thuế VAT để hoàn thuế. Không thể bắt các công ty Việt Nam phải chịu trách nhiệm với cái sai (nếu có) của DN nước ngoài, vì lý do thì đã rõ và vì pháp luật không có quy định.

“Ngành thuế có thể nghi ngờ DN nhưng không thể không tin vào số liệu của ngành hải quan; có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật. Còn sau này, phát hiện ra DN nào sai phạm, chiếm đoạt tiền thuế thì đề nghị xử lý thật nghiêm” - luật sư Đức nêu ý kiến.

Đại diện doanh nghiệp nêu bức xúc về chuyện hoàn thuế tại đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan 2022. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đại diện doanh nghiệp nêu bức xúc về chuyện hoàn thuế tại đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan 2022. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Thang Văn Thông cũng cho hay theo quy định, thời gian hoàn thuế VAT cho DN là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các công ty không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5-2022.

“Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số DN phải dừng xuất khẩu, một số đơn vị hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài, nhiều công ty sẽ phải đóng cửa.

Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực” - ông Thông nói và cho biết nguyên nhân nằm ở một số công văn của Tổng cục Thuế, cũng như có độ vênh giữa các quy định của Tổng cục Thuế và Bộ NN&PTNT về nguồn gốc lâm sản.

“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị cần có sự thống nhất giữa hai bộ NN&PTNT và Tài chính để hướng dẫn cụ thể cho các DN trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ cũng như hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế” - ông Thông nói.

Cơ quan thuế nói gì?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng khi trả lời Hiệp hội Sắn Việt Nam và Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho hay: Năm 2019, khi rà soát công tác chống gian lận thuế thì ở Phú Thọ phát hiện ra trường hợp DN hoàn thuế sai quy định. Sau đó ngành thuế có những văn bản để xác minh các cơ quan, DN có giao dịch. Trong đó, cơ quan quản lý DN nước ngoài trả lời là không có giao dịch.

Khoảng 800 doanh nghiệp đã có mặt tại đối thoại. Ảnh: CL

Khoảng 800 doanh nghiệp đã có mặt tại đối thoại. Ảnh: CL

“Công văn của Tổng cục Thuế trước đây chỉ rõ những công ty nước ngoài không có giao dịch với công ty Việt Nam thì yêu cầu rà soát đánh giá rủi ro, cảnh báo chứ không chỉ có câu chuyện đúng hay sai. Tổng cục Thuế có phối hợp, đối thoại hai lần với Hiệp hội Sắn Việt Nam và cũng đã thống nhất giữa cơ quan thuế với DN cùng nhau rà soát, chỉnh sửa chính sách.

Sau đó chúng tôi có chuyển hồ sơ một số DN. Chúng tôi không có chức năng điều tra ban đầu nên không xác định được số lượng DN, nguyên liệu thế nào… Chúng tôi nhờ cơ quan điều tra xác định giúp cho. Nếu xác định đúng thì chúng tôi chủ động hoàn thuế” - ông Hùng nói.

Ông Hùng nói đã chỉ đạo các cục thuế địa phương xác định được bên A, bên B rồi và nếu đủ điều kiện là phải hoàn thuế cho DN. “Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các cục thuế địa phương để hoàn thuế cho các DN không chỉ tinh bột sắn mà còn cả dăm gỗ. Còn lại thì hầu hết các DN đều được hoàn thuế theo đúng quy định” - ông Hùng cho hay.

Gặp rắc rối với hóa đơn điện tử

Đại diện Công ty Honda Việt Nam phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hóa đơn điện tử khi Nghị định 15/2022 có hiệu lực. Mỗi tháng công ty xuất khoảng 150.000 hóa đơn điện tử. Các hóa đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của công ty như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng.

Khi Nghị định 15 có hiệu lực, một số mặt hàng có thuế VAT giảm từ 10% xuống 8% và DN không thể sửa ngay hóa đơn điện tử. Vì vậy, hiện nay công ty có khoảng 260.000 hóa đơn chưa điều chỉnh.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trao đổi giải pháp để giúp ít tốn kém nhân lực, thời gian. Cùng với đó, DN mong muốn khi có kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thì sẽ nhận được câu trả lời nhanh nhất để chúng tôi không rơi vào tình trạng vi phạm” - đại diện Công ty Honda Việt Nam nêu. Nhiều công ty khác cũng nêu những vướng mắc tương tự.

Ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận thời gian qua nhiều DN gặp vướng mắc khi điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15.

Căn cứ theo quy định về xử lý hóa đơn sai sót, DN tự điều chỉnh, kê khai. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, ông Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phối hợp với cục thuế địa phương nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm vướng mắc của DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm