Người ăn xin phần nhiều là những người túng quẫn ở những miền quê xa xôi, bị chủ lừa vào thành phố, hứa hẹn cho làm một nghề khác nhưng rồi sau đó buộc phải đi ăn xin để trả đủ số tiền đã cho tạm ứng trước đó. Họ tạm ứng để mua gạo ăn những tháng giáp hạt, đóng tiền học phí cho con cháu, trả nợ cho gia đình… Khi đặt chân vào thành phố, bị rơi vào cảnh về không được, ở không xong, họ đành bán lòng tự trọng, vào vai một người có hoàn cảnh bi đát để muối mặt chìa tay xin tiền người khác. Đã từng có rất nhiều trường hợp người ăn xin bị chủ đánh đập, ngược đãi vì không xin đủ số tiền quy định trong ngày.
Đằng sau thân phận, hình ảnh người đi ăn xin còn làm mất mỹ quan đô thị ở những thành phố lớn. Trong rất nhiều cuộc họp, các cán bộ từng xử lý những đường dây chăn dắt hành hạ trẻ em đã bức xúc vì không thể gán cho chủ chăn dắt tội hành hạ người khác cho xứng đáng với những gì họ đã gây ra bởi giữa người ăn xin và người chủ không có mối quan hệ lệ thuộc - một dấu hiệu bắt buộc của tội này. Ngoài ra, BLHS không còn điều luật nào khác phù hợp để trị hành vi chăn dắt ăn xin.
Trong việc xử lý hành chính, lâu nay pháp luật mới chỉ đề cập đến nạn nhân là trẻ em. Từ năm 2006, hành vi tổ chức cho trẻ em ăn xin đã bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đến năm 2011, mức phạt này được nâng lên từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Mức phạt như vậy vẫn không đủ sức răn đe. Nhiều người chăn dắt ăn xin vừa đóng phạt xong nơi này đã chuyển nhà trọ qua nơi khác hành nghề tiếp bởi số tiền phạt không thấm là bao so với số tiền khủng mà họ thu được.
Mà ăn xin đâu chỉ có riêng trẻ em, còn có người già và người tàn tật. Đó là những người không có khả năng tự vệ hoặc rất khó tìm được một công việc để trang trải cuộc sống của bản thân. Các phóng viên trong làng báo đã theo chân rất nhiều những đường dây chăn dắt ăn xin, có đủ chứng cứ về hành vi bạo hành, ngược đãi với những cơn hành hạ làm ám ảnh cả tuổi thơ một con người nhưng rồi cũng chưa hề có một trường hợp nào bị xử lý hình sự.
Có lẽ chính vì thế mà Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất bổ sung thêm tội danh cưỡng bức lao động vào BLHS. Hy vọng tội danh mới này sẽ được các nhà làm luật lưu tâm để có liều thuốc đủ mạnh nhằm răn đe những kẻ ép buộc người khác phải làm việc trái với nguyện vọng của mình. Họ là những người yếu thế cần được pháp luật bảo vệ khi thực tế xã hội đã hình thành “nghề” chăn dắt ăn xin.
ĐÔNG YÊN