Ngày 5-8, Bộ Nội vụ tổ chức cuộc hội thảo khoa học về chủ đề “Phát triển nhân lực hành chính nhà nước”.
Nhân lực hành chính vừa thiếu vừa thừa
“Làm gì thì làm, yếu tố con người có vai trò rất quan trọng” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc. “Tuy nhiên, gần 20 năm cải cách hành chính nhà nước, chúng ta tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính mà quên mất yếu tố rất quan trọng là con người!” - Thứ trưởng Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, từ việc xây dựng thể chế, trình cấp có thẩm quyền ban hành hay tổ chức bộ máy, quản lý tài chính công..., suy cho cùng con người đều giữ vai trò quyết định. “Chúng ta nói “cơ chế một cửa” nhưng liên quan đến con người nên vẫn sinh ra một cửa nhiều khóa, nhiều ngách” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng đánh giá thời gian qua, việc tinh giản biên chế chưa thực hiện triệt để, chỉ tinh giản số người nghỉ hưu, cắt biên chế trong kế hoạch hoặc số chuyển công tác ra khỏi khu vực công. Cạnh đó, việc đánh giá, phân loại, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đủ năng lực thực thi công vụ hoặc không đảm bảo sức khỏe vào diện tinh giản biên chế chưa được thực hiện đúng theo tinh thần tinh giản biên chế.
“Nhân lực hành chính thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Thiếu những người làm việc được và thừa những người không làm việc được” - ông Tuấn nói thêm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: THANH VÂN/TTXVN
Ngồi nhầm chỗ, giao sai việc thì làm gì có kỷ cương
“Những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực hiện vẫn là khâu yếu nhất của nền hành chính quốc gia” - TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận xét.
Với hai cuộc cải cách hành chính trong hai thập niên qua, ông Quyền đánh giá bộ máy cồng kềnh vẫn… cồng kềnh, biên chế vẫn nhiều, hiệu lực, hiệu quả thấp, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương công vụ không nghiêm.
Trong phát biểu của mình, ông Quyền đặc biệt quan tâm tới vấn đề kỷ luật, kỷ cương công vụ, bởi đây đang là “phần yếu nhất của khâu yếu nhất”. Ông nhấn mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ cần phải được thực hiện ở mọi khâu của hoạt động hành pháp, từ việc tuyển dụng, phân công nhiệm vụ, đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm…
Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng nhắc tới phương châm “đúng vai, thuộc bài” mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập và cho rằng còn tình trạng ngồi sai vị trí, giao sai nhiệm vụ, sai chức năng, sai thẩm quyền… thì không thể bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương công vụ.
“Bằng cách này hay cách khác, để duy trì vị trí, chỗ ngồi, nhất là sự tồn tại của mình, chức vụ của mình, những người này buộc phải vi phạm, phá bỏ những kỷ luật, kỷ cương công vụ” - ông Quyền khẳng định.
Nhắc tới Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, ông Quyền đề nghị cần tiếp tục rà soát để loại ra khỏi nền hành chính nhà nước những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Hay nói cách khác là những người ngồi không đúng chỗ, được giao không đúng nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Thể chế phải có trước đạo đức cán bộ
Nêu quan điểm tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng “mọi vấn đề nằm ở chính sách”. Ông Thu cho rằng cần phải có chế độ tiền lương và đãi ngộ thỏa đáng, tương thích với thành tích, cống hiến để cán bộ, công chức an tâm làm việc, không phải lo đến đời sống vật chất hằng ngày.
Theo ông, chừng nào đội ngũ cán bộ, công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chúng ta mới kỳ vọng họ có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, đạo đức và văn hóa công vụ…
“Ở nhiều nước, ngoài chế độ tiền lương, công chức còn có chế độ nhà ở và các phúc lợi khác khi yêu cầu họ thực thi công vụ và phục vụ người dân tốt hơn. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc này mà loay hoay mãi trong cải cách tiền lương? Trong khi cải cách tiền lương của chúng ta không giải quyết được bài toán đặt ra hiện nay” - ông Thu nêu vấn đề.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng đánh giá “đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh”. “Nhà nước chỉ mất tiền lương nuôi thôi cũng đã là gánh nặng với dân” - ông Thạo bình luận.
Theo ông Thạo, nhức nhối lớn hiện nay là tình trạng phá hoại của một bộ phận cán bộ, gây bức xúc xã hội. “Chưa nói đến những cá nhân không được rèn luyện, chọn không đúng người, với cơ chế này, nhiều người tốt cũng không giữ được mình, ai muốn giữ mình thì bị văng ra. Nếu một tập thể mạnh thì giữ được mình, còn tập thể yếu, thủ trưởng không nghiêm túc, người nào không “nhập hội” sẽ bị văng ra” - ông Thạo cho hay.
Ông Thạo phân tích giữa thể chế và phẩm chất đạo đức cán bộ, về lâu dài vẫn là thể chế phải có trước. Thể chế tốt thì người tốt vào phát huy được, người xấu vào không thể làm việc bậy bạ. Tuy nhiên, thể chế của ta hoàn thiện quá chậm, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ, làm cũng được, không làm cũng được.
“Tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức. Bây giờ vì sao người ta thích làm cán bộ, công chức, vì có phần ngoài lương, thậm chí bổng nhiều hơn lương. Còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào cả” - ông Thạo khẳng định.
Bộ máy đông nhưng không hiệu quả Ông Nguyễn Văn Thạo cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay đông do chúng ta có đến ba, bốn hệ thống. Bên Đảng cũng công chức, MTTQ, đoàn thể cũng là công chức. Một đất nước nhỏ nhưng có đến 63 tỉnh, hơn 500 huyện, trong khi Trung Quốc chỉ có 31 tỉnh. Nguyên trợ lý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phải xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp. Ngoài việc phải phân biệt bộ máy hành chính nhà nước với tổ chức Đảng, tổ chức của hệ thống chính trị xã hội, cần xem lại quy mô tổ chức hành chính hiện nay. Ông Thạo cũng cho rằng bộ máy nhà nước đông quá bởi Nhà nước làm thay thị trường và các tổ chức xã hội quá nhiều. Do vậy, cần rà soát lại xem chức năng nào cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thể chuyển giao cho thị trường, cho các hiệp hội, như vậy sẽ giảm đi rất nhiều. |