Cần mạnh dạn xóa dự án treo lâu năm

(PLO)- Một số bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần mạnh dạn xóa những dự án treo lâu năm để bảo đảm quyền lợi của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, bài viết “Không để “treo” cuộc sống của dân theo các dự án treo” đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Một số bạn đọc cho rằng các dự án treo trong nhiều năm qua đã khiến cuộc sống của người dân khổ sở vì ảnh hưởng đến quyền lợi khi sử dụng đất. Đồng thời, bạn đọc cũng đề nghị chính quyền nên đánh giá lại khả năng thực hiện các dự án, dự án nào không thể thực hiện thì bỏ quy hoạch để người dân sử dụng đúng mục đích đất của mình.

Khổ vì đất liên tục vướng quy hoạch treo

Hơn 20 năm nay, bà Hồ Thị Hường ở quận Tân Bình, TP.HCM vẫn từng ngày trông ngóng mảnh đất mà vợ chồng bà mua dưỡng già được xóa dự án treo.

Bà Hường cho biết năm 2001 vợ chồng bà gom tiền mua một lô đất tại phường An Phú Đông, quận 12 để xây nhà an hưởng tuổi già. Lúc mua, khu đất này được quy hoạch làm biệt thự nhà vườn. Năm 2003, gia đình bà liên hệ đến phường và quận hỏi thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích thành đất ở để xây nhà. Tuy nhiên, phường thông báo khu đất nhà bà đang có quy hoạch làm trung tâm hành chính phường.

Thế nhưng sau một thời gian, trụ sở UBND phường được xây dựng tại một vị trí khác. Biết được thông tin, bà Hường lại tiếp tục liên hệ địa phương để xin chuyển mục đích thì được thông báo khu đất này lại đang nằm trong quy hoạch khu giáo dục.

“Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu để được sử dụng đất của mình. Rất mong chính quyền xem xét đánh giá lại, nếu dự án không khả thi thì hủy bỏ quy hoạch để người dân sử dụng đất, đừng để quyền lợi của người dân cứ bị treo lơ lửng mãi” - bà Hường bức xúc.

Nhà cửa xuống cấp nhưng người dân không được sửa chữa do đã có thông báo thu hồi đất. Ảnh: VIỆT HOA
Nhà cửa xuống cấp nhưng người dân không được sửa chữa do đã có thông báo thu hồi đất. Ảnh: VIỆT HOA

Tương tự, anh NKD, huyện Nhà Bè, chia sẻ hiện khu nhà anh có nhiều căn nhà được xây tạm bợ, nhiều khu đất trống bỏ không vì nằm trong quy hoạch dự án khu đô thị cả chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện.

Cách đây vài tháng, căn nhà của anh bị xuống cấp nghiêm trọng nên xin UBND xã xây lại nhà. Tuy nhiên, anh chỉ được sửa lại chứ không được xây mới. Những người dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch treo nhiều năm nay quyền lợi bị ảnh hưởng rất nhiều. Mong các cơ quan chức năng xem xét lại những dự án nào quy hoạch không khả thi thì mạnh dạn xóa bỏ.

Nên xóa các dự án treo lâu năm

Một số bạn đọc cho rằng các địa phương cũng cần rà soát những dự án quy hoạch treo lâu năm và phải xem xét xóa bỏ để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Các tỉnh, TP phải có quy định rõ ràng cho chính quyền ở cấp dưới hằng năm cần rà soát, nếu dự án quy hoạch nào mà ba năm hay năm năm chủ đầu tư không thực hiện dự án thì xóa quy hoạch, cho phép người dân được sử dụng đất của mình. Đồng thời, những khu đất nằm trong quy hoạch phải có bảng báo cáo quy hoạch từ ngày bắt đầu quy hoạch để người dân theo dõi” - bạn đọc Trần Minh ý kiến.

Bạn đọc Thanh Nam bình luận: “Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể và tỉ mỉ, từng bước xét duyệt và đưa dự án vào khả thi, không phê duyệt kiểu đại trà, để rồi nhiều dự án bị treo. Việc dự án treo không những chỉ làm khổ dân, mà nếu nó kéo dài sẽ mang nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí, đầu cơ bất động sản…”.

“Tôi thấy nhiều nơi có quy hoạch rồi để đó không làm gì. Vì thế, cơ quan duyệt quy hoạch phải có tầm nhìn để khi đất đưa vào quy hoạch phải khả thi, chứ không thể để các dự án mãi trên giấy mà làm khổ người dân” - bạn đọc Nguyễn Thành nêu.

Các địa phương đề xuất xóa dự án treo

• Mới đây, huyện Bình Chánh có báo cáo về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP. Theo đó, có 244 dự án trên địa bàn huyện đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua từ năm 2015 đến nay. Số dự án quá ba năm chưa thực hiện hiện nay là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%). Huyện đề xuất loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm 52 dự án này.

• Tháng 8-2022, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch huyện Nhà Bè, cho biết TP đang giao cho huyện Nhà Bè tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phân chung 1/5000 và quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị Hiệp Phước. Trong đó có việc điều chỉnh 83 ha đất trong quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước sang đất dân cư hiện hữu để giải quyết quyền lợi hợp pháp về nhà đất cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm