Tại tọa đàm "Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức trực tuyến vào chiều nay 12-10, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những hỗ trợ mạnh hơn nữa với các quyết sách mang tính đột phá để doanh nghiệp vượt qua cú sốc hậu dịch bệnh.
Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhìn nhận, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động mạnh đến nền kinh tế để lại hậu quả vô cùng lớn từ sự rơi "thẳng đứng" tăng trưởng kinh tế, hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp, rời bỏ các trung tâm sản xuất kinh tế lớn của cả nước.
"Đây là bài học cho các cấp quản lý cần nhìn nhận lại chính sách chống dịch", ông Cường nói.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nếu cơ quan quản lý đặt doanh nghiệp là chủ thể trong phòng chống dịch, cùng là chủ thể đồng hành cùng chính quyền hậu quả dịch bệnh thì không gây ảnh hưởng lớn như hiện nay.
Những bài học, hệ quả cũng đã diễn ra, do đó, lúc này cần phải có những thay đổi. Với doanh nghiệp, dịch bệnh tạo ra khó khăn nhưng cũng là cơ hội thay đổi cấu trúc để tồn tại. Nhờ vào đây, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận lại cái nào tốt nhất để giữ lại, hoặc vứt bỏ cái cũ để chuyển sang con đường mới.
Về phía nhà nước, dù cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhưng vẫn cần nhiều nguồn lực bơm vào hơn để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục. Hay nhân cơ hội này, đặt hàng doanh nghiệp có năng lực xây dựng các ngành hàng quan trọng để tạo năng lực cạnh tranh với nước ngoài, cũng như là đầu tàu kéo theo nhiều doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Các giải pháp 'tiếp máu' cho doanh nghiệp
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, các biện pháp chống dịch đã gây ra nhiều tổn hại cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn về số doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì thấy mỗi tháng gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Và đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Nhưng bức tranh chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là số doanh nghiệp đang sống. Họ cũng đang rất vất vả, gian nan không kém gì doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bởi vì nhiều doanh nghiệp đang chết lâm sàng, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng thanh khoản và chưa biết ngày mai sẽ tồn tại thế nào.
"Những doanh nghiệp này có thể đóng cửa để cắt lỗ nếu tính theo bài toán kinh tế. Nhưng phần đông các doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ lại để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng. Đây là hành động dũng cảm mà cần tri ân và ghi nhận nỗ lực của họ", Tiến sĩ Lộc đánh giá.
Trong bối cảnh thế giới bất định, mơ hồ, khó dự báo thì doanh nghiệp phải tự lực tìm cách sống chung và vượt qua mọi cơn bão tố. Nhưng để doanh nhân làm được điều này thì phải cần hẫu thuận của chính phủ.
Do đó, Chính phủ có thể xem xét giải pháp "5T" để hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tiên là trợ thở, mở cửa để doanh nghiệp sống chung, kinh doanh chung an toàn với dịch. Mở cửa chính là cỗ máy trợ thở lớn nhất.
Cần mở cửa mạnh mẽ hơn nữa, không được ngập ngừng, lúc đóng lúc mở. Hiện các địa phương đã mở cửa trở lại là điều tích cực. Tuy nhiên cơ quan trung ương nên sớm có luật sống chung để chính quyền địa phương hành xử, doanh nghiệp người dân chủ động, chứ không rơi vào thế bị động, phải xin cho.
Điều thứ 2 là tiếp máu. Đây phải là chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách an sinh xã hội. Hiện mất khả năng thanh khoản, thiếu dòng tiền là những vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, nên cần tiếp máu cho họ.
Chúng ta đã có một loạt các biện pháp hỗ trợ nhưng vẫn cần sự bổ sung với quy mô và phạm vi được mở rộng. Và đặc biệt tích hợp giải pháp tài khoá và tiền tệ chứ không độc lập tác chiến như hiện nay.
Chẳng hạn, muốn ngân hàng giảm lãi mà nếu chỉ một mình ngân hàng nỗ lực giảm thì không ăn thua. Cần có quỹ bù lãi suất do ngân sách nhà nước ứng ra để giúp cho các ngân hàng giảm lãi. Muốn ngân hàng mở rộng cho vay phải có quỹ bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.
Thứ 3 là tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tiếp tục cởi trói về thủ tục hành chính, chính sách cho doanh nghiệp. Bao nhiêu năm rồi làm cái này mãi chưa xong, trong khi lẽ ra chính sách là hỗ trợ thúc đẩy chứ không phải tháo gỡ. Luật còn chồng chéo, thủ tục quy định còn phức tạp, phiền hà.
Thứ 4 là thúc đẩy năng lực doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền mà cần hỗ trợ từ nhà nước để giúp họ nâng cao năng lực như chương trình đào tạo, thông tin, tư vấn để nâng cấp doanh nghiệp.
Cuối cùng là tiếp cận thị trường. Bây giờ cần xúc tiến qua mạng mạnh mẽ hơn nữa, kết nối mạnh mẽ để tìm thị trường.
Với doanh nghiệp thời điểm này vẫn là xây dựng các phương án kiếm tiền, tồn tại, sống sót nhưng để tăng trưởng trong tương lai cần tập trung vào chiến lược xanh hoá, số hoá, xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá.