Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMcho hay Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam tại Cộng hòa Guinea Xích đạo (quốc gia thuộc khu vực Tây Phi, cũng là quốc gia duy nhất ở châu Phi nói tiếng Tây Ban Nha) về nước để chữa bệnh và tránh dịch COVID-19.
Lên bốn phương án cho đường bay
Theo đó, Vietnam Airlines xây dựng bốn phương án bay. Cụ thể, phương án một, sử dụng máy bay A350, bay thẳng Hà Nội - Bata (Guinea Xích đạo). Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là sân bay trên đang thông báo không có khả năng cung ứng nhiên liệu cho đến ngày 10-8. Cạnh đó, cần bổ sung một xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8, đủ điều kiện khai thác đối với máy bay A350.
Phương án hai, máy bay A350 sẽ có hành trình Hà Nội - Bata - Malabo, áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu. Phương án này vẫn cần bổ sung một xe cứu hỏa như phương án một và xin phép chặng bay nội địa của nước sở tại là Bata - Malabo.
Phương án ba, máy bay A350 bay thẳng Hà Nội - Malabo. Tuy nhiên, phương án này cần thực hiện di chuyển công nhân và tập kết họ ở sân bay Malabo.
Phương án cuối cùng, sử dụng hai máy bay A321. Trong đó, một máy bay chở công nhân bị nhiễm COVID-19 và một máy bay chở công nhân không bị nhiễm. Theo Vietnam Airlines, phương án này có hành trình Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata - Jeddah (Saudi Arabia) - Ahmedabad (Ấn Độ).
Phương án này thuận lợi cho công tác chống lây nhiễm trên máy bay. Tuy nhiên, hãng dự báo phương án này sẽ gặp các khó khăn như vấn đề xin cấp phép bay của các nước đối với các chuyến bay chở người bệnh, thời gian bay dài và nhiều điểm cất, hạ cánh.
Cạnh đó, điều kiện nghỉ ngơi của tiếp viên không đủ tiêu chuẩn, sân bay Bata phải đủ khả năng cung cấp nhiên liệu và bổ sung xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 6 phục vụ khai thác máy bay A321.
“Khó khăn lớn nhất không phải giấy phép bay mà là nhiên liệu nên hãng đang tính phương án hai, xin cấp phép cho cả hai đường bay nội địa tới Guinea Xích đạo” - đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Những ngày qua công nhân Việt Nam ở Guinea Xích đạo vẫn phải làm việc. (Ảnh chụp ngày 19-7) Ảnh: CTV
Tính toán chuẩn xác từng đường đi nước bước
Liên quan đến các phương án bay, tin từ Bộ GTVT cho hay đơn vị đã chỉ đạo ngành hàng không liên hệ đề nghị nhà chức trách hàng không các nước đối tác hỗ trợ về thủ tục cấp phép chuyến bay.
Ngoài ra, để đảm bảo việc tổ chức chuyến bay, công tác an toàn hàng không cũng như phòng, chống dịch, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Ngoại giao. Văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước đề nghị chính quyền sở tại sớm cấp phép bay cho các chuyến bay nhân đạo nêu trên.
Cạnh đó, Bộ GTVT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tập hợp công nhân lên máy bay vào thời gian và địa điểm thống nhất. Đồng thời, làm việc với gia đình các bệnh nhân để thống nhất phương án xử lý tình huống phát sinh liên quan đến sức khỏe bệnh nhân trên chuyến bay.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế cử đủ bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn đi cùng chuyến bay để theo dõi sức khỏe của các công nhân. “Đặc biệt, đảm bảo sau khi xuống sân bay, công nhân bị nhiễm COVID-19 được đưa đến bệnh viện chữa trị, số còn lại phải được cách ly theo quy định…” - đại diện Bộ GTVT cho biết.
Được biết chuyến bay đưa các công nhân Việt Nam về nước sẽ được thực hiện vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. “Người lao động trước khi lên máy bay sẽ được kiểm tra sức khỏe bởi chuyến bay này sẽ kéo dài nhiều giờ liền...” - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Hai đoàn bác sĩ và hai đoàn điều dưỡng bay cùng Chuyến bay đón hơn 200 công nhân Việt tại Guinea Xích đạo về nước dự kiến sẽ được bố trí hai đoàn bác sĩ và hai đoàn điều dưỡng của BV Bệnh nhiệt đới trung ương theo sát hỗ trợ. Chuyến bay sẽ được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết như máy trợ thở, bình ôxy... cho toàn bộ hành khách. |
Công nhân mừng rơi nước mắt
Chị Hồng Thúy (ngụ thôn 3, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là người thân của hai anh Phan Xuân Lượng và Phan Thanh Châu đang làm công nhân cho Công ty cổ phần CMVietnam ở khu thủy điện Sendje, cho biết tối 19-7 anh Châu gọi điện thoại báo tin đại diện công ty vừa tổ chức họp với công nhân. Tại đây, công ty thông báo dự kiến ngày 28-7, công nhân sẽ được về Việt Nam.
“Anh Châu khóc nghẹn trong điện thoại, bảo bọn anh vui lắm em ơi, cuối cùng cũng được về với gia đình. Ngày xa quê anh không nghĩ kiếm sống ở xứ người lại đầy rủi ro như vậy…” - chị Thúy kể.
Hiện anh Phan Xuân Lượng đang điều trị COVID-19 ở bệnh viện nước sở tại, tuy nhiên chị Thúy không nắm được những thông tin về anh nên gia đình rất lo lắng. “Sau khi báo phản ánh, những bữa cơm của công nhân bị bệnh và người cách ly có cải thiện hơn trước đây nhưng do khác nhau về thói quen ăn uống nên bữa ăn ở đó vẫn chưa đảm bảo chất dinh dưỡng cho các anh. Vì vậy, tôi và nhiều người thân đang từng ngày, từng giờ mong các anh bình an trở về nước…” - chị Thúy chia sẻ.
Theo một công nhân Việt Nam đang làm việc tại dự án thủy điện Sendje, những ngày qua công trường hoạt động bình thường, lao động chưa bị nhiễm COVID-19 vẫn phải làm việc với tâm trạng lo lắng bị nhiễm bệnh.
“Hôm nay (20-7), chúng tôi chuyển sang dọn công trường theo lệnh của công ty để sớm về nước… Anh em công nhân rất cám ơn Thủ tướng đã quan tâm, chỉ đạo để đưa những công nhân, đặc biệt người nhiễm bệnh được về nước chữa trị” - công nhân này nói.
Lời kêu cứu của hơn 200 công nhân Việt Như đã đưa tin, đang có hơn 200 công nhân Việt Nam làm việc tại dự án thủy điện Sendje, thuộc tỉnh Litorial, Guinea Xích đạo phải đối diện với dịch COVID-19. Kết quả xét nghiệm của nước sở tại mới đây ghi nhận trong số này có 120 người nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa cũng như hoàn cảnh sở tại mà việc điều trị, ăn uống theo phản ánh của công nhân là chưa đảm bảo. Vì vậy, họ có đơn kêu cứu lên công ty và các cơ quan quản lý chức năng với mong muốn được về nước sớm để chữa bệnh và tránh dịch COVID-19. |