Cần ngăn chặn việc 'biến tấu' luật quốc tế

UNCLOS 40 năm - Bài 2

Cần ngăn chặn việc 'biến tấu' luật quốc tế

(PLO)- Các chuyên gia đồng ý rằng cần có giải pháp để không một nước nào có thể tiếp tục lợi dụng các điểm còn chưa rõ ràng của UNCLOS để thực hiện lợi ích riêng.

Bài viết đầu tiên, báo Pháp Luật TP.HCMđã nói về những đóng góp tích cực và vài vấn đề cần được thảo luận nhiều hơn về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) kể từ khi ra đời năm 1982. Bài viết thứ hai này là gợi ý của các chuyên gia xung quanh việc tìm kiếm các giải pháp để củng cố khả năng thực thi các quy định trong UNCLOS phù hợp với tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt với thực tế ở Biển Đông.

Hiệp định về đàn cá di cư (UNFSA) có mục đích kép là vừa bảo tồn lâu dài vừa khai thác bền vững các đàn cá lưỡng cư và di cư xa thông qua việc thực thi hiệu quả các quy định liên quan của UNCLOS. Ảnh: THAI UNION

Hiệp định về đàn cá di cư (UNFSA) có mục đích kép là vừa bảo tồn lâu dài vừa khai thác bền vững các đàn cá lưỡng cư và di cư xa thông qua việc thực thi hiệu quả các quy định liên quan của UNCLOS. Ảnh: THAI UNION

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tổ chức sự kiện kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi 28-11. Ảnh: IMO

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tổ chức sự kiện kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi 28-11. Ảnh: IMO

Không để bên nào lợi dụng các điểm mơ hồ của UNCLOS

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Takashi Hosoda, giảng viên khoa Khoa học xã hội ĐH Charles (Cộng hòa Czech) đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách đối ngoại Tokyo (Nhật), đã đề cập một hạn chế trong UNCLOS cần được giải quyết. Đó chính là thực tế có nước lợi dụng tối đa vài định nghĩa và quy định còn chưa được giải thích rõ của công ước này và áp dụng chúng theo hướng có lợi cho họ bất cứ khi nào có thể. TS Hosoda nhấn mạnh rằng việc giải thích chặt chẽ các điều khoản của UNCLOS cho phù hợp với từng trường hợp là rất cần thiết và nên được chia sẻ với cộng đồng quốc tế để không một quốc gia nào có thể biến tấu theo ý của mình và khác với cách hiểu của cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao, Giám đốc chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhắc đến một vấn đề mà ông cho là hiện vẫn gây tranh cãi, là quy định về quyền “đi lại vô hại” trong vùng lãnh hải (đã được đề cập ở bài viết trước). Điều 17 UNCLOS quy định: “Với điều kiện phải chấp hành công ước, tàu thuyền của tất cả quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”. Đi lại không gây hại là việc đi qua khu vực lãnh hải của một quốc gia ven biển mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển đó.

Theo ông Poling, để giải quyết những tranh cãi như trên, các quốc gia thành viên hay các bên liên quan tranh chấp cần thương lượng đi tới một thỏa thuận, một cam kết hoặc một hiệp ước khác sâu sắc và rõ ràng hơn về vấn đề này, bên cạnh các quy định trong UNCLOS.

Ông đề cập Hiệp định về đàn cá di cư (UNFSA) như một ví dụ điển hình. UNFSA - được thông qua vào ngày 4-8-1995, có hiệu lực từ ngày 11-12-2001 - với mục đích kép là vừa bảo tồn lâu dài vừa khai thác bền vững các đàn cá lưỡng cư và di cư xa thông qua việc thực thi hiệu quả các quy định liên quan của UNCLOS. Như vậy, UNFSA hướng đến việc cụ thể hóa các quy định mang tính chất khung của UNCLOS, qua đó làm rõ hơn nội hàm của các nghĩa vụ đồng thời bảo đảm việc thực thi có hiệu quả các nghĩa vụ đó trên thực tế. Ông Poling nhấn mạnh sẽ luôn có những vấn đề mới đòi hỏi phải có sự thương lượng khi sử dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp.

UNCLOS có những điểm chưa thể hoàn hảo nhưng không phải là một thỏa thuận tồi đối với cộng đồng quốc tế.

TS GURPREET S. KHURANA, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Hải quân Ấn Độ, GS thỉnh giảng tại ĐH Hải chiến Ấn Độ

Áp dụng chặt chẽ UNCLOS

Theo các chuyên gia một trong những vấn đề gây tranh cãi trong các điều khoản của UNCLOS chính là quy định liên quan đến các thực thể lúc chìm lúc nổi và việc cải tạo chúng thành đảo nhân tạo.

Như UNCLOS quy định, việc xây dựng các đảo nhân tạo là hợp pháp, miễn chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia đó. Điều 56 UNCLOS quy định: “Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển có quyền tài phán liên quan đến việc thiết lập và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình”. Trích dẫn Điều 60 UNCLOS, chuyên gia Poling nhấn mạnh chỉ quốc gia ven biển mới có “đặc quyền xây dựng các đảo nhân tạo” trong EEZ của mình.

Theo GS Donald R. Rothwell, chuyên gia về luật biển, đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Úc (ANU), về cơ bản, chỉ quốc gia sở hữu vùng lãnh thổ liên quan mới có thể được tác động đến những thực thể tự nhiên này (các thực thể lúc chìm lúc nổi) và nếu được mở rộng nhân tạo để trở thành một hòn đảo, nó không phải là một hòn đảo tự nhiên nữa. Hơn nữa, thực thể lúc nổi lúc chìm thậm chí không thể được xác nhận lãnh hải từ vị trí của tảng đá ấy.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các vật thể lúc nổi lúc chìm ở vùng biển quốc tế là không phù hợp với UNCLOS và đều sẽ bị bác bỏ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Xét theo UNCLOS, đảo “là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Nếu một hòn đảo nổi lên mặt nước khi thủy triều lên do được cải tạo, đó là một hòn đảo nhân tạo”. Vấn đề này đã được làm sáng tỏ trong phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ kiện của Philippines.

Theo GS James Kraska, chuyên về luật hàng hải quốc tế, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, trong vụ kiện ở Biển Đông vào năm 2016, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất, do đó không quốc gia nào có thể sử dụng chúng để yêu sách về đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Như vậy, có thể thấy rằng phán quyết của tòa là các thực thể lúc chìm lúc nổi trên Biển Đông không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Đã không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền thì không có cả lãnh hải, chưa cần nói tới EEZ.

Theo TS Hosoda, việc xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể lúc nổi lúc chìm và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông gây rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực. Để ngăn chặn và giải quyết những hành vi xây dựng sai trái và tuyên bố chủ quyền trái phép, các chuyên gia đều đồng ý rằng việc áp dụng chặt chẽ và triệt để các điều khoản trong UNCLOS là rất quan trọng.

Ở trong bài viết tiếp theo, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ nói về hiệu quả thực thi của UNCLOS cũng như làm thế nào để các quốc gia tuân thủ công ước này, mời quý vị cùng đón đọc.•

Đã đến lúc Mỹ tham gia UNCLOS?

Trong bài viết trên trang Just Security (Mỹ), ông Mark P. Nevitt, trợ lý giáo sư luật tại ĐH Luật Syracuse, cựu Tư lệnh Hải quân, từng là phi công phản lực chiến thuật, cho rằng đã đến lúc Mỹ phải tham gia UNCLOS.

Việc 167 quốc gia và Liên minh châu Âu đã tham gia UNCLOS là một minh chứng cho vị thế của công ước và sự chấp nhận rộng rãi của quốc tế. Sự vắng mặt của Mỹ đang gây thắc mắc hơn bao giờ hết, khi xét đến sự xuất hiện của ba yếu tố (Trung Quốc, biến đổi khí hậu, sự tín nhiệm) sẽ xác định quản trị hàng hải quốc tế trong thế kỷ 21. Ba yếu tố này cũng sẽ được chú trọng nhiều hơn khi Mỹ thiết lập lại chính sách đối ngoại và quan điểm an ninh của mình.

Việc không tham gia UNCLOS cũng hạn chế tiếng nói của Mỹ. Mỹ phản đối việc Trung Quốc bác phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 trong vụ kiện của Philippines rằng Trung Quốc vốn đã đồng ý phục tùng quyền tài phán của PCA theo Điều 287 UNCLOS. Tuy nhiên, Trung Quốc gạt bỏ với lý lẽ rằng Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS. Nếu Mỹ tham gia UNCLOS thì cục diện sẽ khác.

Theo ông P. Nevitt, việc Mỹ gia nhập UNCLOS dù sẽ không giải quyết khủng hoảng Biển Đông nhưng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải và nâng sức đáp ứng cạnh tranh chiến lược trong khu vực.

Đọc thêm