40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)

40 năm UNCLOS nhìn từ Biển Đông đến các vụ tranh chấp khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhìn lại sự ra đời và đi vào hoạt động của UNCLOS năm 1982, PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; giảng viên cao cấp Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã nhấn mạnh công ước đã giúp các quốc gia phân định, quản lý biển hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp các cơ chế giải quyết xung đột một cách hiệu quả.

“Hiến chương Liên Hợp Quốc về biển”

. Phóng viên: Sau 40 năm ra đời, UNCLOS đã phát huy vai trò như thế nào đối với việc phân định và qun lý hiu quvùng bin ca mi quc gia?

PGS-TS Vũ Thanh Ca

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: UNCLOS 1982 được xây dựng và thông qua sau quá trình đàm phán lâu dài và cam go với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về công pháp quốc tế và Luật Biển. Do vậy, công ước này có tầm bao quát rất lớn và việc triển khai thực hiện công ước trong 40 năm qua đã chứng tỏ hiệu quả, tính khoa học và thực tiễn của nó.

Thứ nhất, UNCLOS đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cung cấp cho các quốc gia có biển cơ sở pháp lý để phân định vùng biển, quản lý biển và giải quyết các quan hệ giữa các quốc gia liên quan tới các thách thức, xung đột, bất đồng hoặc các vấn đề khác trên biển. Có thể xem công ước này như “Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) về biển”. Nhờ đó, các quốc gia có cơ sở pháp lý để quản lý và hợp tác quản lý để bảo vệ, bảo tồn biển và khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp lý, hiệu quả và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, trong 40 năm qua, tất cả quốc gia trên thế giới, ngay cả các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS, đã luôn viện dẫn công ước khi giải quyết các tranh chấp liên quan tới bảo vệ, bảo tồn môi trường biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, phân định ranh giới hoặc quy định quy chế pháp lý của các vùng biển.

Với thực tiễn áp dụng như vậy, công ước này trở thành tập quán quốc tế và điều này có thể giúp cho các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS có thể viện dẫn sử dụng cho việc xây dựng, và thực hiện các chính sách biển của quốc gia cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

Đoàn đại biểu Philippines tại Tòa trọng tài vụ kiện Trung Quốc vào năm 2016. Ảnh: PCA

Giải quyết nhiều vụ tranh chấp lớn

. Trong các trường hợp xảy ra tranh chấp, UNCLOS có vai trò ra sao?

+ Công ước này quy định rất rõ ràng, cụ thể về những nguyên tắc chung và những nội dung chi tiết để giải quyết các tranh chấp trên biển. Cụ thể, một quốc gia thành viên UNCLOS có quyền lựa chọn một hay nhiều cơ chế để giải quyết, như tòa án quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (ITLOS), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), một tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của công ước hoặc một tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VIII của công ước.

. Trong 40 năm qua, thực tế áp dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp ra sao?

+ Công ước này đã giúp các quốc gia trên biển giải quyết được rất nhiều các tranh chấp, xung đột. Ví dụ, vụ tranh chấp giữa Anh và Mauritius liên quan tới việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương. Đây là một quần đảo thuộc chủ quyền của Mauritius. Tuy nhiên, do những vấn đề lịch sử, vào ngày 1-4-2010, Anh đã thông báo kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển rộng khoảng 210.000 km2 xung quanh quần đảo này và cấm mọi hoạt động đánh bắt cá, khai thác tài nguyên sinh vật cũng như thăm dò, khai thác dầu và khí đốt trong khu bảo tồn biển này. Mauritius không đồng ý với quyết định này của Anh vì điều này có nghĩa là khoảng 4.000 cư dân cũ của quần đảo bị Anh trục xuất trong giai đoạn 1967-1973 sẽ không còn đường trở về quê hương do không còn kế sinh nhai. Ngày 20-12-2010, chính phủ Mauritius đã nộp đơn kiện Anh theo Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS 1982 về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển nói trên. Vào năm 2015, tòa đã ra phán quyết rằng việc Anh thành lập khu bảo tồn biển như trên là sai.

Luật quốc tế là “vũ khí” bảo vệ lợi ích quốc gia

40 năm UNCLOS nhìn từ Biển Đông đến các vụ tranh chấp khác ảnh 3
Đại sứ ĐẶNG ĐÌNH QUÝ, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Luật pháp quốc tế là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hành vi của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Tháng 1-2020, trên cương vị là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo, đàm phán để Hội đồng Bảo an thông qua bằng đồng thuận Tuyên bố chủ tịch về “Thượng tôn Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Đa số các nước thành viên LHQ đã, đang và sẽ coi luật pháp quốc tế là vũ khí bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Việc cải tổ LHQ, nâng cao hiệu quả của LHQ trong phục vụ lợi ích của các thành viên là chủ đề luôn được quan tâm, thảo luận hằng năm tại Đại hội đồng LHQ. Nhưng điều đó có đem đến kết quả như đa số thành viên mong đợi hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của tất cả các nước, nhất là các nước lớn. Đây là quá trình lâu dài nhưng chắc chắn ngày càng có nhiều nước hiểu rằng vì lợi ích của chính mình, họ phải tính đến lợi ích của các nước khác và của cả cộng đồng quốc tế.

Đại sứ ĐẶNG ĐÌNH QUÝnguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Chủ tịch Nhóm công tác không chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ về các tòa án quốc tế 

Vụ kiện thứ hai cần được nhắc tới là vụ Nicaragua kiện Colombia ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về phân định chủ quyền các đảo Roncador, Serrana và Quitasueno và phân định vùng biển liên quan tại biển Caribe. Tới năm 2012, ICJ ra phán quyết rằng các hòn đảo nêu trên thuộc chủ quyền của Colombia nhưng ranh giới lãnh hải mà Colombia từng áp đặt cho Nicaragua là không đúng quy định. Do phán quyết, Nicaragua có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ra tới 200 hải lý và do vậy Nicaragua có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thuộc vùng biển có diện tích khoảng 75.000 km2 từng bị Colombia tuyên bố quyền chủ quyền.

Vụ kiện thứ ba cần được nhắc tới là vụ Timor Leste kiện Úc về phân định ranh giới biển vào ngày 11-4-2016. đông Timor là nước đầu tiên trên thế giới căn cứ vào thủ tục hòa giải bắt buộc quy định trong các điều 297 và 298 của UNCLOS 1982 để yêu cầu Úc thực hiện thủ tục hòa giải để phân định ranh giới biển giữa hai nước. Kết quả là hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới biển cuối cùng vào ngày 6-3-2018.

Vụ kiện thứ tư là vụ kiện phân định ranh giới biển cho các vùng biển chồng lấn tại Ấn Độ Dương giữa Somalia và Kenya vào ngày 22-8-2014. Vào ngày 12-10-2021, tòa phán quyết không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia ngầm đồng ý đường biên giới được Kenya ra yêu sách. Ngoài ra, tòa đã phán quyết về phân định ranh giới biển giữa Somalia và Kenya trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982.

Vụ kiện Biển Đông là quan trọng nhất

. Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2016 cũng là một điển hình được thế giới quan tâm, ông nhận xét thế nào về vụ kiện này khi áp dụng UNCLOS?

+ Theo tôi, đây là vụ kiện quan trọng nhất trong các vụ tôi kể trên. Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 với nhiều luận điểm khác nhau (vụ kiện Biển Đông). Vụ này có liên quan tới Việt Nam.

Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết cho vụ kiện Biển Đông với năm điểm chính, nổi bật là kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn (đường lưỡi bò). Cũng trong phán quyết, tòa đã làm rõ nhiều khái niệm chưa rõ ràng trong công ước, đặc biệt là quy chế các đảo, đảo đá.

Có thể nói phán quyết của tòa trong vụ kiện Biển Đông không chỉ là thắng lợi vang dội của Philippines mà còn là thắng lợi của các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam, là những nước có vùng biển bị Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền trái phép. Đây cũng là thắng lợi của lực lượng hòa bình và luật pháp quốc tế nói chung, UNCLOS 1982 nói riêng.

. Xin cám ơn ông.•

Không ngừng hoàn thiện những điểm chưa rõ ràng trong UNCLOS

Dù đóng vai trò quan trọng và phát huy rất tốt hiệu quả nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều quy định trong UNCLOS vẫn chưa rõ ràng và chưa bám sát thực tiễn. Rất may là các hạn chế ấy cũng đã dần được các cơ quan pháp lý quốc tế giải thích, làm rõ.

Ví dụ rõ nhất là khoản 3 Điều 121 của công ước nêu “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Việc hiểu đúng cụm từ “không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng” trước đây đã có nhiều quan điểm khác nhau. Thậm chí, có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng nếu được tôn tạo phù hợp, và do vậy có thể được coi là đảo.

Tuy nhiên, kết luận của tòa vào năm 2016 đã chấm dứt những tranh luận kiểu này. Phán quyết của tòa rằng cụm từ “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” có nghĩa là “phụ thuộc vào khả năng khách quan của một thực thể khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư hoặc các hoạt động kinh tế ổn định mà không phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài hoặc không phải là các hoạt động thuần túy mang tính chất khai thác”.

Ngoài trường hợp như đã nêu trên thì thực tế vẫn còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong các quy định của UNCLOS. Việc giải quyết nhanh chóng các điểm này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, do các phán quyết của các tòa án quốc tế được coi là các án lệ, một phần của luật pháp quốc tế nên các vấn đề chưa rõ trong UNCLOS 1982 sẽ được dần làm sáng tỏ trong thực tiễn.

PGS-TS VŨ THANH CA

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm