UNCLOS 40 năm - Bài 1: Nguồn luật biển vô cùng giá trị và đồ sộ

UNCLOS 40 năm - Bài 1: Nguồn luật biển vô cùng giá trị và đồ sộ

(PLO)- UNCLOS trong 40 năm qua đã có không ít đóng góp rất quan trọng cho thế giới.

Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) ra đời như một nhu cầu tất yếu của cộng đồng quốc tế về việc điều chỉnh các hoạt động trên biển. Sau 40 năm, công ước đã cho thấy sức mạnh của mình trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển, tạo bước ngoặt để các nước có thể giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với tinh thần của LHQ.

UNCLOS - bước ngoặt trong luật pháp quốc tế

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều đồng ý rằng UNCLOS là tập hợp các quy tắc quốc tế nền tảng về quyền và nghĩa vụ trên biển của tất cả quốc gia. Chuyên gia Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), khẳng định UNCLOS là “một bước ngoặt” trong luật pháp quốc tế. Công ước có tầm ảnh hưởng sâu rộng về phạm vi quốc gia tham gia lẫn phạm vi quy định, là nền móng cho hòa bình, ổn định trên thế giới.

UNCLOS tồn tại những hạn chế nhất định nhưng hiện tại vẫn là công cụ duy nhất và tốt nhất để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên biển và đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế.

TS Takashi Hosoda, giảng viên khoa Khoa học xã hội ĐH Charles (CH Czech) đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách đối ngoại Tokyo (Nhật), nhận định UNCLOS là “tiếng nói của các nước đang phát triển muốn bảo vệ tài nguyên biển của mình” và là cách để kiềm chế sự mở rộng bất tận của các nước phát triển về quyền kiểm soát biển và lạm dụng tài nguyên biển.

Hai đóng góp quan trọng nhất của UNCLOS được các chuyên gia nhấn mạnh là các quy tắc để phân định ranh giới trên biển và cơ chế giải quyết các tranh chấp.

Về quy tắc phân định ranh giới trên biển, GS James Charles Kraska, chuyên về luật hàng hải quốc tế, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cho rằng UNCLOS đã cung cấp một khuôn khổ để giải quyết vấn đề này trong các điều 15, 74 và 83. Những điều luật này quy định rõ về cách phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia ven biển.

Về cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển, GS Robert Beckman, giảng dạy tại khoa Luật Trường ĐH quốc gia Singapore (NUS), cho rằng đây là một phần không thể tách rời của công ước và là một điểm đặc biệt so với các công ước quốc tế khác. Khi một quốc gia trở thành thành viên của UNCLOS thì mặc nhiên đồng ý với các quy tắc trong đó, bao gồm các quy định giải quyết tranh chấp được trù định trong phần XV.

“Theo phần XV của UNCLOS, nếu tranh chấp phát sinh giữa hai quốc gia thành viên về việc giải thích hoặc áp dụng công ước; và tranh chấp không thể được giải quyết bằng thương lượng giữa các bên thì quốc gia là một bên của tranh chấp có thể viện dẫn các quy tắc về giải quyết tranh chấp, đưa vụ việc ra tòa án hoặc tòa trọng tài quốc tế” - ông Beckman trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Một phiên điều trần ở Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Cần thảo luận thêm một số vấn đề

Vấn đề đầu tiên mà các chuyên gia cùng đồng ý là UNCLOS cần được làm rõ hơn một số quy định để các quốc gia không (cố tình) tìm cách giải thích luật khác với cách hiểu chung, thậm chí trái ngược nhau. Hiện nay, Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có những hiểu biết chung về UNCLOS nhưng vẫn còn trường hợp cố tình diễn dịch sai ý nghĩa của UNCLOS để phục vụ lợi ích, ý đồ riêng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Jonathan G. Odom, cố vấn pháp lý về các vấn đề luật pháp quốc tế và luật an ninh quốc gia cho các chỉ huy hải quân (cả Mỹ và đa quốc gia), hiện giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu an ninh George C. Marshall European (Mỹ), chỉ ra rằng cần giải thích một cách chi tiết hơn các quy định của UNCLOS về giải quyết vấn đề chồng lấn vùng biển.

UNCLOS là tiêu chuẩn vàng trong hợp tác an ninh hàng hải

Trong bài viết trên trang GeoPolitical Monitor, nhà nghiên cứu James Borton tại Stimson Center (Mỹ - tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái nhằm mục đích tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế) đánh giá rằng Biển Đông là khu vực hàng hải được cho là tranh chấp nhất, vùng biển này có xu hướng trở thành nơi tập trung sức mạnh địa chính trị.

Ông Borton nhắc đến việc Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đại dương, cuộc sống người dân trên biển và an ninh của các cộng đồng ven biển, khi Thủ tướng tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9-8-2021.

Ông Borton ghi nhận rằng Việt Nam đánh dấu vai trò mang tính xây dựng trong việc giúp phát triển mạng lưới các thỏa thuận và sáng kiến ​​về an ninh hàng hải khu vực với LHQ, với tư cách là điều phối viên để tăng cường chia sẻ thông tin, đặc biệt liên quan đến việc ngăn chặn rác thải nhựa trên biển và đại dương. Chương trình an ninh hàng hải của Việt Nam và các cuộc đối thoại chính sách chuyên gia dường như thành công trong việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vô số thách thức về địa chính trị và môi trường.

Cụ thể theo ông, đối với vùng lãnh hải chồng lấn, UNCLOS quy định rằng các quốc gia sẽ lấy đường trung tuyến để phân định. Còn đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn, UNCLOS nói rằng các quốc gia có yêu sách sẽ phải đạt được một “giải pháp công bằng”.

Để xác định một “giải pháp công bằng”, các cơ quan tài phán quốc tế đã phát triển một phương pháp luận gồm ba bước. Tuy nhiên, nhìn chung thì kết quả cuối cùng của cách tiếp cận này rất giống với phương pháp đường trung tuyến. GS Odom minh định đây là ý kiến cá nhân ông, không nhất thiết phản ánh lập trường chính thức của chính quyền Mỹ.

Dù khẳng định UNCLOS là “một bước ngoặt” trong luật pháp quốc tế nhưng chuyên gia Poling thừa nhận trong công ước, vẫn còn một vài vấn đề cần được làm rõ hơn, đặc biệt liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về quân sự. Cụ thể, có hai nội dung gây tranh cãi liên quan triển khai các lực lượng hải quân ở Biển Đông mà công ước cần quy định rõ ràng hơn.

Nội dung thứ nhất, UNCLOS có cho phép các quốc gia ven biển hạn chế hoạt động quân sự của nước ngoài ở trong vùng EEZ của mình hay không. Nội dung thứ hai, tàu chiến nước ngoài khi đi qua vô hại lãnh hải của quốc gia ven biển thì có cần thông báo hay không.

UNCLOS cũng cần gia tăng các biện pháp chế tài. Các chuyên gia gồm GS Beckman, TS Hosoda, GS Kraska và TS Gurpreet S. Khurana (lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Hải quân Ấn Độ) đều đồng ý rằng UNCLOS hiện không có cơ chế để thực thi phán quyết của tòa án hoặc tòa trọng tài. TS Hosoda lý giải vì chủ quyền của quốc gia là tối thượng nên không có hình thức chế tài nào có thể áp dụng lên các quốc gia. Từ hạn chế này, TS Khurana quan ngại một số nước lớn sẽ luôn giải thích luật và hành động theo ý mình.

Ở bài viết sau, chúng tôi sẽ đề cập việc cải thiện một số hạn chế của UNCLOS sau 40 năm. Mời quý bạn đọc đón đọc.•

Nhiều vấn đề trên biển được giải quyết theo UNCLOS

Nhiều vấn đề trên biển đã được giải quyết trong 40 năm qua, kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được ký kết.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ngày 21-4 ra phán quyết Colombia vi phạm quyền chủ quyền của Nicaragua khi can thiệp vào các khu vực trên biển Caribe nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nicaragua. Ảnh: ICJ/TWITER

Về giải quyết tranh chấp có liên quan việc giải thích hoặc áp dụng công ước, Điều 287 phần XV UNCLOS quy định các cơ chế để giải quyết tranh chấp, gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) được thành lập theo Phụ lục VI; Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ); Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII hoặc một tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII cho một hoặc nhiều loại tranh chấp được quy định trong đó.

Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc (TQ) lên Tòa Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII UNCLOS. Philippines cáo buộc TQ can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá, gây nguy hiểm cho tàu thuyền, nạo vét xây đảo nhân tạo trái phép, phá hoại môi trường biển và yêu cầu Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách chủ quyền của TQ với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”.

TQ không tham gia vụ kiện này nhưng Tòa Trọng tài vẫn thụ lý vụ kiện và ra phán quyết vào tháng 7-2016, bác bỏ yêu sách các quyền lịch sử của TQ nằm trong “đường lưỡi bò” và quyền lịch sử của TQ với các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Tòa còn xác định các thực thể trên Biển Đông là đá hoặc bãi cạn khi thủy triều xuống, không thích hợp cho con người ở hoặc không có đời sống kinh tế nên TQ không có quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa quanh các thực thể đó. Tòa cũng nhận thấy các hoạt động của TQ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như cản trở hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí, xây dựng đảo nhân tạo là vi phạm quyền chủ quyền của Philippines. Hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn của TQ tại bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) được cho là gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường san hô và vi phạm nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương.

Tháng 11-2012, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết vụ kiện tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa Nicaragua với Colombia. Phán quyết của tòa công nhận Colombia có chủ quyền đối với một số thực thể ở biển Caribe, phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của cả hai quốc gia lên tới 200 hải lý. Năm 2013, Nicaragua tiếp tục kiện Colombia lên ICJ vì có hành vi vi phạm phạm các quyền chủ quyền và vùng biển của Nicaragua đã được tòa phân định. Nicaragua còn cáo buộc Colombia đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường cho những hành vi sai trái.

Sau đó, vào tháng 11-2016, Colombia đã gửi bốn yêu cầu phản tố, tòa đã chấp nhận hai trong số đó và cho là đây là một phần của thủ tục tố tụng. Hai cáo buộc đó là Nicaragua ngăn cản cư dân quần đảo San Andrés trong việc tiếp cận, khai thác ngư trường truyền thống và vẽ đường cơ sở thẳng trái luật quốc tế. Vào ngày 21-4 năm nay, tòa ra phán quyết rằng Colombia đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Nicaragua trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

.............................

Quá trình ra đời của UNCLOS

Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) được các quốc gia ký kết tại vịnh Montego (Jamaica) vào ngày 10-12-1982. 12 năm sau, vào ngày 16-11-1994, công ước chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để UNCLOS có thể ra đời vào năm 1982 là nỗ lực vô cùng lớn và sự kiên trì theo đuổi của cộng đồng quốc tế trong thời gian dài 15 năm.

Bà Gabriele Goettsche-Wanli - Giám đốc Các vấn đề Đại dương và Luật Biển, Văn phòng Pháp lý của LHQ. Ảnh: FRANZ DEJON/FLICK

Năm 1967 được cho là dấu mốc khởi đầu của UNCLOS, khi Đại sứ Malta tại LHQ Arvid Pardo phát biểu trước Đại hội đồng LHQ kêu gọi thiết lập “một định chế quốc tế hiệu quả đối với đáy biển và đáy đại dương bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia”. Lời kêu gọi này đã dẫn đến việc thành lập một ủy ban đặc biệt, tiền thân của Ủy ban Đáy biển và sau đó trở thành ủy ban trù bị cho hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật Biển.

Trước đó vào năm 1958, hội nghị đầu tiên của LHQ về Luật Biển đã đưa ra bốn công ước Geneva về biển cả, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa và nghề cá. Tuy nhiên, vấn đề chiều rộng của lãnh hải chưa được thống nhất trong hội nghị này và cũng chưa được giải quyết ở hội nghị lần thứ hai của LHQ về Luật Biển vào năm 1960.

Hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật Biển bắt đầu từ năm 1973, gồm 11 phiên họp diễn ra ở TP New York (Mỹ), Caracas (Venezuela) và Geneva (Thụy Sĩ). 11 phiên họp này có chương trình nghị sự rộng lớn, bao trùm tất cả khía cạnh của Luật Biển và xoay quanh việc thảo luận của ba ủy ban chính. Ủy ban đầu tiên thảo luận về việc khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển. Ủy ban thứ hai về phạm vi trên biển như lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, biển cả… Ủy ban thứ ba về môi trường biển, bảo tồn, nghiên cứu khoa học biển.

Theo bà Gabriele Goettsche-Wanli, Giám đốc các vấn đề đại dương và Luật Biển, Văn phòng Pháp lý của LHQ, hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật Biển gặp thách thức trong việc tạo ra một quy trình đàm phán, nhằm giải quyết mối quan hệ qua lại phức tạp giữa các vấn đề trên biển và các vấn đề mới phát sinh trong quá trình đàm phán. Khó khăn nữa là hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật Biển cần đạt được sự đồng thuận của số lượng lớn quốc gia có lợi ích khác nhau, đồng thời phải giải quyết được vấn đề tồn đọng mà hai hội nghị trước chưa giải quyết được.

Trải qua quá trình đàm phán đầy khó khăn, vào tháng 4-1982, dự thảo UNCLOS đã được thông qua với 130 phiếu thuận, bốn phiếu chống và 17 phiếu trắng. Ngày 10-12-1982, 117 quốc gia đã ký vào công ước này. ĐỨC HIỀN

Đọc thêm