Cần nghiêm cấm hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa

(PLO)- Nhiều bạn đọc lên án hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa, đồng thời yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ thông tin trên mạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Bộ GD&ĐT: Nội dung 'Giã gạo thổi cơm' không có trong sách giáo khoa” phản ánh việc trên mạng lan truyền nhiều thông tin, hình ảnh của một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bé xách đỡ mẹ,... Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định đây không phải là nội dung trong sách giáo khoa hiện hành.

Với vấn đề này, nhiều bạn đọc phản đối hành vi “chế” nội dung sách giáo khoa khiến mất đi tính nhân văn vốn có. Ngoài ra cho rằng khâu kiểm duyệt nội dung mạng xã hội chưa chặt chẽ khiến thông tin thất thiệt lan truyền nhanh chóng.

Nội dung độc hại

Từ phương diện của một phụ huynh, bạn đọc Nguyễn Hà bày tỏ sự lo lắng: “Là một người mẹ, tôi rất lo lắng nếu con mình tiếp cận những thông tin sai lệch như thế này. Quá nguy hiểm và ảnh hưởng đến nhận thức trẻ nhỏ. Phải xử lý thật nghiêm những người tạo ra nội dung lố bịch này”.

Chung sự bức xúc, bạn đọc Hoài Thương chia sẻ: “Nếu nội dung này không có trong sách giáo khoa thì đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp cùng cơ quan chức năng tìm ra được kẻ tung tin thất thiệt, xử lý mạnh tay để làm gương cho những người khác”.

Tương tự, bạn đọc Vĩnh Khôi viết: “Cần điều tra, làm rõ hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa. Kẻ này quá coi thường pháp luật”.

Ngoài ra, bạn đọc Tuyền Phạm cho rằng: “Những nội dung đưa vào sách giáo khoa để dạy trẻ nhỏ cần phải chuẩn mực vì tác động trực tiếp đến nhận thức, tư duy của các em. Không thể lấy việc này ra xào nấu nội dung câu like, câu view như vậy được. Mất hết giá trị nhân văn.”

còm_giã gạo thổi cơm.jpg
Bài thơ “Giã gạo thổi cơm” gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Cần kiểm soát nội dung trên mạng

Nói về nội dung trên, bạn đọc Phạm Loan viết: “Trên mạng giờ nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai lệch sự thật. Tôi đề nghị cần quản lý chặt chẽ, kiểm tra kỹ nhưng nội dung được đăng tải và yêu cầu chủ nội dung chịu trách nhiệm với hành động của mình”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Quốc Bảo cho rằng: “Thời đại công nghệ nên thông tin lan truyền rất nhanh, khâu kiểm duyệt phải gắt gao hơn nữa. Nếu sơ sài, cẩu thả sẽ gây nguy hiểm đến nhận thức của giới trẻ. Nên thẩm định lại các nội dung liên quan đến giáo dục, dạy trẻ cần chuẩn mực chứ không phải cảm tính”.

Tương tự, bạn đọc Viết Vũ chia sẻ: “Tôi thấy mấy hôm nay cư dân mạng bàn tán sôi nổi về chủ đề này, phản đối có, hùa theo có, thậm chí là những lời đùa thô tục và phản cảm. Vậy mà bài đăng vẫn không vi phạm cộng đồng, lại lan truyền rộng rãi hơn mới hay chứ. Nội dung tràn lan không kiểm duyệt như vậy thì người đọc chọn lọc bằng cách nào?”.

Bạn đọc Minh Trí nêu giải pháp: "Người dùng mạng xã hội cũng cần thận trọng hơn trước những thông tin chưa xác thực nội dung. Cứ thấy là chia sẻ mà không cần biết thông tin đó đúng hay sai rồi bình luận theo. Nhắm mắt chia sẻ tới chừng bị lực lượng chức năng phát hiện lại bảo tôi không biết!".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm