Vừa qua, các nền tảng mạng xã hội (MXH) tái diễn tình trạng xuất hiện tình trạng đăng tải, lan truyền thông tin xấu độc mang tính bịa đặt, vu khống cá nhân và tổ chức. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn gây mất an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Bị xử phạt vì đăng tải nội dung bịa đặt, vu khống
Tháng 6-2023, một loạt đối tượng đưa tin sai sự thật, bịa đặt, xúc phạm đến uy tín của cơ quan tổ chức trong vụ tấn công trụ sở công an ở Đăk Lăk lên Facebook và TikTok. Các đối tượng đã bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 21-9, phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm còn chưa “hạ nhiệt” thì tối cùng ngày, tài khoản Facebook “Vo Quoc” (được cho là tài khoản đầu bếp Võ Quốc) đăng dòng trạng thái xúc phạm, bôi nhọ danh dự của người làm báo gây xôn xao dư luận.
Sau hơn 10 ngày đăng tải nội dung xúc phạm báo chí và nghề báo trên mạng xã hội, đầu bếp Võ Quốc bị Sở TT-TT TP.HCM xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Phải hiểu đúng quyền tự do ngôn luận
Tại Điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này phải trong khuôn khổ pháp luật, không thể muốn chửi ai hay muốn vu khống xúc phạm ai cũng được. Bởi Điều 21 Hiến pháp cũng khẳng định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
ThS Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng bộ môn Truyền thông (Trường ĐH Văn Hiến) cho biết quyền tự do ngôn luận bị hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi lộng ngôn, bôi nhọ uy tín, tin xấu độc… tràn lan trên MXH.
Việc thi hành luật gặp nhiều khó khăn do quy mô rộng lớn và tính toàn cầu của MXH, sự ẩn danh của người dùng gây khó khăn trong quá trình xác minh người vi phạm cũng được xem là một phần nguyên nhân.
Ông Tiến cho biết có nhiều trường hợp những người đăng tin giả tìm cách che giấu danh tính và tổ chức của họ, bằng các tài khoản giả mạo. Các đối tượng thường nhân danh, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để ngụy biện đánh tráo khái niệm cho hành vi đăng tin giả của mình, tìm cách lôi kéo người dùng mạng xã hội ủng hộ. Điều này gây phức tạp, đe dọa đến an ninh trên không gian mạng.
Để xây dựng không gian mạng tích cực, ông Tiến cho rằng người dùng mạng cần kiểm chứng tính xác thực của thông tin thông qua các nguồn tin chính thống. Khi phát hiện tài khoản đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm cá nhân và tổ chức, cần báo cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Gia đình và nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn học sinh, sinh viên hiểu rõ về Luật An ninh mạng 2018. Các nền tảng MXH cần phối hợp với cơ quan chức năng để nhanh chóng truy vết, xử lý đối tượng vi phạm.
Điều 3 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT&TT quy định rõ người dùng mạng xã hội phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội.
Theo Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi nghị định 14/2022) quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người “chửi bậy, nói càn” có khả năng dính một trong các tội như tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ… (Điều 331 BLHS), tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), tội vu khống người khác (Điều 156 BLHS)…