“Không nên có làn đường dành riêng cho xe buýt”. “Cần cân nhắc việc dành làn cho xe buýt”… Nhiều người dân, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã có ý kiến như trên sau bài viết “TP.HCM sẽ có đường riêng cho xe buýt” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 2-4.
TS PHẠM SANH, chuyên gia ngành giao thông:
Phải tính toán kỹ lưỡng
Cách đây hơn chục năm, đường Trần Hưng Đạo (quận 5) cũng tổ chức ưu tiên làn cho xe buýt nhưng không hiệu quả. Điều đáng nói, thời điểm đó xe cộ còn ít. Hiện nay, hai đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu đã kẹt cứng rồi mà dành làn đường cho xe buýt chạy riêng thì 70% là không khả thi.
Tình trạng lưu thông trên đường tại Việt Nam khá phức tạp, không có quy định cụ thể xe buýt chạy làn đường nào mà cứ mạnh ai nấy chạy. Theo tôi, đơn vị chức trách không nên nôn nóng mà làm việc không khoa học. Giải pháp là trước khi đưa ra đề xuất gì thì Sở GTVT cần nghiên cứu, tính toán theo lý thuyết chuyên ngành khảo sát mặt đường, phải đưa ra con số chính xác về số lượng xe, diện tích mặt đường… Sau đó cần vận dụng phần mềm mô phỏng tiến hành chạy phân tích. Việc thí điểm có thể thành công hoặc thất bại. Nếu thành công thì chúng ta nhân rộng ra, còn thất bại thì phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.
Xe buýt chạy sát lề ép xe máy phải chạy ra ngoài trên đường Điện Biên Phủ. Ảnh: HỒNG TRÂM
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Cần nghiên cứu thực tế ở Hà Nội
Tôi không thể trả lời cảm tính rằng đề xuất trên có khả thi hay không. Bởi vì tôi chưa nắm được người đề xuất phương án này dựa trên cơ sở nào. Tuy nhiên, tôi cũng thống nhất ý kiến trước khi đưa một đề xuất cần có những nghiên cứu và số liệu cụ thể. Ví dụ như làn đường dành cho xe buýt hiện nay là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng thể mặt đường. Số lượng người đi xe máy là bao nhiêu. Số phần trăm đó có tương ứng với số người đi trên xe buýt so với số người đi xe máy thì nó chiếm ra sao.
Tôi ví dụ nếu 70% người dân đi xe buýt, 30% chọn đi xe máy thì đề xuất dành thêm làn đường cho xe buýt là khả thi và ngược lại.
Hiện Hà Nội dành riêng làn đường cho xe buýt nhanh, Sở GTVT cần nghiên cứu, quan sát các mặt tích cực và khiếm khuyết của mô hình đó. Từ đấy rút ra bài học và áp dụng đối với TP.HCM.
Không ưu tiên thì dẹp hẳn xe buýt Với số lượng xe máy và ô tô các loại ở TP.HCM hiện nay, xe buýt không còn làn đường thông thoáng để chạy nhanh, đúng giờ, an toàn, nhiều chuyến, nhiều tuyến. Xe buýt đang bị xe máy và ô tô khác vây tứ phía, không thể phát huy hiệu quả. Khi xe buýt không chạy nhanh, đúng giờ, an toàn, nhiều chuyến, nhiều tuyến, nó không thể trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân. Cho nên để phát triển xe buýt ở TP.HCM, việc dành làn đường riêng cho xe buýt là bắt buộc. Nếu không thì dẹp hẳn xe buýt đi và chấp nhận sự lạc hậu cùng nhiều hệ lụy khác. Theo tôi, TP.HCM cần phát triển mạnh giao thông công cộng với xe buýt là phương tiện chủ lực để nhanh chóng thay thế xe máy trên diện rộng. Theo đó, những đường phố nào có từ ba làn đường mỗi chiều trở lên nên mạnh dạn cắt hẳn một làn làm làn cho xe buýt. Tuy nhiên, về việc chọn hai đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thử nghiệm xe buýt, tôi thấy có gì đó chưa ổn. Hai đường này hầu hết là một chiều nhưng các tuyến thử nghiệm chưa đối xứng với nhau. Một người đi chiều này bằng xe buýt thì cũng có nhu cầu đi chiều ngược lại bằng xe buýt chứ không phải bằng phương tiện khác. Nếu tổ chức thí điểm trên các đường một chiều thì nên chọn các cặp đường gần nhau để tạo thành hai chiều cho người dân. Ở TP.HCM có khá nhiều cặp đường một chiều như thế; cặp đường nào đủ dài, có từ ba làn đường mỗi chiều trở lên đều có thể chọn để thử nghiệm. Ngoài ra, theo tôi, không nên chọn những đường đang có mật độ phương tiện quá cao để thử nghiệm vì kẹt xe sẽ tăng lên ở các làn còn lại và làm nhiều người cố tình lấn làn, chiếm làn xe buýt khi ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao. TS LƯƠNG HOÀI NAM, chuyên gia giao thông Tôi không tán thành Hiện tại lưu lượng xe lưu thông trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ đã rất đông đúc rồi. Vào giờ cao điểm, các phương tiện kẹt cứng chen nhau nhích từng chút một. Bây giờ cho xe buýt chạy một làn đường riêng đồng nghĩa với việc thu hẹp phần diện tích mặt đường dành cho xe máy. Việc dành đường cho xe buýt chỉ khiến tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Ông TRẦN MINH HÙNG, ngụ quận Phú Nhuận Kẹt xe càng tăng Nếu đề xuất dành làn riêng cho xe buýt thành sự thật, kẹt xe sẽ ngày càng gia tăng. Người dân chúng tôi không thể vì quá kẹt xe mà bỏ xe máy leo lên xe buýt đi được. Thay vào đó, chúng tôi sẽ chọn giải pháp là di chuyển trên các con đường khác để tránh kẹt xe. Điều tôi lo ngại nữa là những ai có nhu cầu đến các địa điểm hoặc các đường nhánh trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thì không biết phải làm sao. Ông PHẠM GIA HOÀNG, ngụ quận 3 |