Ngày 26-5, Quốc hội (QH) nghe Chính phủ báo cáo về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tại cuộc họp Quốc hội ngày 26-5. Ảnh: PHẠM THẮNG |
TP được chi trước từ ngân sách địa phương, báo cáo sau
“Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho nơi này phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo QH.
Trong 27 chính sách, có một số chính sách đáng chú ý như trường hợp TP dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo QH vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cùng với đó, TP được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
TP.HCM có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương nên việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Chính phủ đề xuất TP được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): Sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập như thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận, các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc đường vành đai 3 để thu hồi đất và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Được quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.
TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách TP.
TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.
Đảm bảo quyền gắn với trách nhiệm
Dự thảo có những phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu các quy định về trách nhiệm nên cần bổ sung các nội dung này để bảo đảm đúng nguyên tắc quyền đi đôi với trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách LÊ QUANG MẠNH
Tán thành việc ban hành nghị quyết
Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết này.
“Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết” - ông Lê Quang Mạnh báo cáo và làm rõ các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.
“Qua tổng kết Nghị quyết 54, cho thấy phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, TP là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước” - ông Lê Quang Mạnh trình bày.
Trong năm quan điểm ban hành nghị quyết, đáng chú ý có quan điểm cho rằng: Nghị quyết phải “thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”.
Một số đề xuất đáng lưu ý
• Khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.
• Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách TP hưởng 100%.
• Cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.
• Quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
• Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của TP.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phạm vi chính sách đã phù hợp với định hướng trong các nghị quyết của Đảng và QH; các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.
“Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới” - ông Lê Quang Mạnh nói.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý: Cần phải làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa.
Ông cũng đề nghị rà soát chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tờ trình cần làm rõ giá trị nhân rộng mô hình sau thí điểm để các tỉnh, thành khác có thể học tập, nhân rộng, đảm bảo đúng mục tiêu của nghị quyết.•
Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI:
Chính sách vượt trội giúp TP.HCM khơi thông nguồn lực
Nghị quyết mới xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá nhằm huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của TP để phát triển.
Đó là những việc mà luật chưa có quy định hoặc luật có quy định rồi nhưng còn chồng chéo, không giải quyết được vấn đề thực tiễn phát triển của TP. Những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ sẽ giúp TP giải quyết vấn đề của mình nhanh hơn. Đây cũng là tiền đề để trung ương sau này phân cấp, phân quyền cho các địa phương khác.
Nghị quyết mới đã được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện hành, điều kiện thực tiễn của TP. Một trong những điểm mới của dự thảo nghị quyết là đặt ra các nhóm cơ chế, chính sách mới chưa được quy định tại Nghị quyết 54, giúp TP khơi thông những nguồn lực.
Chẳng hạn như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT.
Ngoài ra còn có các cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC); đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức...
Sau khi dự thảo nghị quyết được thông qua, các công trình hạ tầng đô thị, xã hội, văn hóa, thể thao sẽ được triển khai nhanh hơn, giúp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cùng với đó, bộ máy hành chính sẽ được sắp xếp, điều chỉnh, hoạt động hiệu quả hơn.
TP.HCM đã chuẩn bị sẵn kế hoạch, trong đó có phân công cụ thể cho các cơ quan liên quan triển khai ngay các công việc cần làm để đón đầu, chuẩn bị khi dự thảo nghị quyết được thông qua.
................................
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TẠ VĂN HẠ (Quảng Nam):
Mô hình thử nghiệm tăng cường phân cấp, phân quyền
Cơ chế đặc thù cho TP.HCM là cần thiết, hoàn toàn phù hợp và là một hình thức đầu tư cho TP bằng nguồn vốn là cơ chế, chính sách.
Tôi ủng hộ cơ chế tăng cường hơn việc phân quyền, giao trách nhiệm cho TP.HCM để TP thực hiện công việc một cách chủ động, linh hoạt và phù hợp với điều kiện. Đây cũng là mô hình thử nghiệm để chúng ta yên tâm hơn nữa trong công tác tăng cường phân cấp, phân quyền. Chúng ta đã có Luật Thủ đô, với những đặc thù đặc biệt của TP.HCM, nếu cần thiết, tôi thấy cũng nên nghiên cứu để xây dựng một luật riêng dành cho TP.HCM.
....................................
Đại biểu TRẦN THỊ NHỊ HÀ (Hà Nội):
Phát triển của TP.HCM là chung cho cả nước
Những năm qua, kinh tế - xã hội của TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, sau đó lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác. Do đó, cần có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ nút thắt, giúp TP.HCM khai phóng hết tiềm năng, dư địa, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Mặt khác, TP.HCM còn là đầu tàu kinh tế của cả nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó nghị quyết mới không chỉ tạo ra động lực phát triển cho riêng TP.HCM mà còn là cho cả nước nữa. Sự phát triển của TP.HCM sẽ kéo các tỉnh lân cận phát triển theo.