Cần nới lỏng tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Ngày 15-6, tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19 nhưng nhấn mạnh tới đây Chính phủ cần có các giải pháp mạnh nhằm phục hồi kinh tế.

Thảm đỏ cho doanh nghiệp nước ngoài, thóc cho doanh nghiệp trong nước

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong thu ngân sách và tăng trưởng lúc mà cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. ĐB Hiền coi sau dịch là cơ hội mà Việt Nam cần tranh thủ để đón đầu các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.

Tuy vậy, thực tế là hiện nay làn sóng đầu tư này đang chuyển hướng, đổ về Ấn Độ, Indonesia, Philippines… ĐB Hiền đề nghị phải “có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá. Phải đảm bảo lợi ích quốc gia và sự bình đẳng cho doanh nghiệp (DN) và nhất là chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, chủ động”.

ĐB Hiền cũng lưu ý cần phải quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai ở nước ta. “Thực tế hiện nay cho thấy ở nhiều địa phương vẫn còn những nhà đầu tư, những dự án đang làm dở dang đã được cấp phép nhưng quá trình triển khai đang gặp khó khăn về chính sách, về việc giải phóng mặt bằng... Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí” - ĐB Hiền nói.

Theo ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), thời gian qua, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, DN lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu ái đó thì đối với DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của DN. Điều đó thể hiện trong các công đoạn từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho đến các giấy phép về xây dựng công trình.

Theo ĐB Tùng, thực tế cho thấy nhiều DN phải mất 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và khi bước qua được các thủ tục này thì thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. ĐB Tùng cho rằng chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng DN phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nới lỏng tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Ảnh: QUANG HUY

Cải cách thể chế đang… chững lại?

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), dịch COVID-19 đã tạo ra một số cơ hội cần nắm bắt, ngoài việc đón các làn sóng đầu tư. “Điểm then chốt là tới đây, Chính phủ vẫn phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước” - ĐB Lộc nói và cho biết cải cách thể chế đang có phần chững lại.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề cập đến trạng thái “bình thường mới” và cũng đồng tình rằng: “Điểm cốt lõi vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế. Việt Nam có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt, đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do vậy đòi hỏi tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa và thực chất hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động”.

3,82% là mức tăng trưởng GDP trong quý I-2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng được bình ổn; an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm được bảo đảm… 

Theo ĐB Tám, ngay từ việc triển khai các gói hỗ trợ cho đến giải ngân vốn đầu tư công đều có những vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ. “Vấn đề là cơ chế, thủ tục vướng mắc thì phải tháo gỡ nhưng để giải quyết tận gốc những vướng mắc cần phải kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi hành lang pháp lý, thủ tục hành chính thông thoáng chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc hay giải cứu” - ĐB Tám nói.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Để từ đó đề xuất QH sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật. QH có thể thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. “Thậm chí có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của QH để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên” - ĐB Hoa đề nghị.

ĐB NGUYỄN THANH HIỀN (Nghệ An):

Chưa chống được virus trì trệ


 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói một cách hình tượng là chúng ta phải chống virus Corona và virus trì trệ. Tôi cho rằng những tồn tại đó đã kéo dài từ năm này qua năm khác, từ ngành này sang ngành khác và từ địa phương này sang địa phương khác… Chúng ta chưa thành công trong việc chống virus trì trệ này.

Mặc dù chúng ta đã nhiều lần đưa ra giải pháp đột phá, những khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt nhưng đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí một số lĩnh vực, một số vụ việc diễn biến phức tạp hơn. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải làm bắt đầu từ con người, bắt đầu từ công tác cán bộ.

ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG(Bến Tre):

Cần nghị quyết riêng về phục hồi kinh tế


 

Mặc dù chúng ta đã có những thành tựu trong việc chống dịch nhưng kinh tế nước ta đã phải chịu ảnh hưởng, sa sút nghiêm trọng từ dịch bệnh, việc quay lại phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới như thế nào là rất quan trọng.

Cho nên rất cần thiết phải bổ sung vào kỳ họp thứ 9 này một nghị quyết riêng về việc phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch để QH đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ nới lỏng tối đa cho các DN hoạt động và phát triển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới