Mới đây, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP sẽ cùng với UBND TP tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Từ đó, đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế mới phù hợp với vị trí, vai trò đầu tàu của TP.
Về việc này, các đại biểu (ĐB) HĐND TP bày tỏ mong muốn khi xây dựng cơ chế mới phải đi kèm với việc tạo nguồn lực mới để TP phát triển.
Cơ chế xin - cho làm chậm phát triển
ĐB Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng khi ban hành một cơ chế mới thay thế Nghị quyết 54 thì phải đẩy mạnh hai vấn đề cốt lõi.
Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tăng nguồn vốn để đẩy mạnh các dự án đầu tư công có vai trò thúc đẩy TP phát triển.
Đại biểu Trần Quang Thắng. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải cụ thể, rõ ràng để người nhận nhiệm vụ có thể làm hết mức. Người được phân cấp, ủy quyền phải thật sự có quyền hạn thì mới thực hiện trách nhiệm được. Không thể chỉ giao nửa quyền, giữ lại một nửa, dẫn đến tình trạng “đi cà nhắc” trong các quyết định.
Vừa qua TP.HCM cũng có cơ chế ủy quyền cho các quận, huyện trên một số lĩnh vực nhưng chưa thể phát huy tốt, vì giao thẩm quyền cần đi đôi với nguồn lực.
ĐB Thắng nhìn nhận hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương còn quá nặng nề cơ chế xin - cho, nhất là đối với nguồn vốn. Chẳng hạn cơ chế bán tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP nhằm tạo điều kiện cho TP hưởng 50% giá trị tài sản bán được phải xin quá nhiều bộ, ngành.
Trung ương phải tạo điều kiện về nguồn vốn cho TP. Ngoài ra, TP không nên phụ thuộc vào các tập đoàn lớn ở nước ngoài để có bệ phóng. Thay vào đó, cần có đường lối phát triển độc đáo, sáng tạo riêng. Cần tăng cường tính chủ động, tích cực, tạo sự đồng thuận rộng khắp trong hệ thống chính trị từ trên xuống dưới và người dân.
ĐB Thắng dẫn chứng thời gian vừa qua một số công trình bị đình trệ do nguồn vốn như dự án đường vành đai 3, vành đai 4. Dự án metro 1 dự kiến năm 2020 sẽ vận hành nhưng phải dời đến năm 2023. Dự án metro số 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2025-2026 nhưng sẽ kéo dài đến năm 2030.
“Vốn cung ứng càng trễ thì việc giải phóng mặt bằng, xây dựng khu định cư cho người dân càng chậm; trong khi giá đất tăng vọt theo thời gian. Tiến độ càng chậm thì tốn kém càng nhiều” - ĐB Thắng phân tích.
Những vấn đề TP đang gặp phải như ngập lụt, ô nhiễm môi trường cũng phần nhiều do thiếu vốn, kéo dài dự án. Với hàng trăm dự án cần đầu tư trong thời gian tới, TP đã phải tiết kiệm tối đa, dự án nào là trọng tâm, trọng điểm được ưu tiên trước. Chưa kể, các quận, huyện cũng cần rất nhiều công trình nhưng phải xếp hàng chờ đợi thứ tự ưu tiên.
Cần có cơ chế tốt hơn để động viên cán bộ
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận Nghị quyết 54 mang đến cho TP nhiều hướng mở, nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú. |
Tuy vậy, nguồn lực về vốn không đáp ứng đủ nên phần nào trói buộc các cơ chế. Bằng nhiều nỗ lực, trung ương đã tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 21% nhưng so với nhu cầu của TP lớn nhất nước thì vẫn còn chưa đủ.
ĐB Tú mong muốn khi xây dựng một cơ chế mới thay thế Nghị quyết 54 có thể tháo gỡ được nút thắt này, tạo điều kiện cho TP phát triển hơn nữa.
Bày tỏ quan tâm đặc biệt về vấn đề thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý, ĐB Tú cho biết cũng do vấn đề ngân sách chưa đủ nên chỉ đáp ứng tăng được 1,2 lần.
Theo ĐB Tú, việc tăng thu nhập chính là tạo động lực lớn cho cán bộ làm việc dưới áp lực của một TP đông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cán bộ vẫn còn tâm tư. Chẳng hạn, có những băn khoăn cho rằng thiếu công bằng trong việc lập danh sách cán bộ được nhận thu nhập tăng thêm.
TP.HCM chưa thụ hưởng hết chính sách đặc thù từ Nghị quyết 54
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XV, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận sau khoảng bốn năm triển khai thực hiện, đến nay Nghị quyết 54 đã giúp TP chủ động hơn trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TP gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cũng như chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó TP chưa được thụ hưởng hết chính sách từ nghị quyết này.
Trong đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm do chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bộ, ngành trung ương.
Đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện khoản 8, khoản 11 của Nghị quyết 54 trước tình hình khó khăn của dịch bệnh để hỗ trợ TP phục hồi kinh tế. Đồng thời kiến nghị QH ban hành cơ chế giám sát, đôn đốc, phối hợp để TP triển khai thực hiện đồng bộ nghị quyết với các cơ quan trung ương.