Sáng 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV. Hội thảo tập trung góp ý một số vấn đề như cá nhân trực tiếp sản xuất/không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp; hòa giải tranh chấp đất đai...
Đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến đất quốc phòng, an ninh
Góp ý tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa cho biết hiện nay quy định liên quan đến cung cấp thông tin về đất đai chưa có quy định vấn đề bảo mật thông tin về đất quốc phòng, an ninh trong khi đây là loại đất quan trọng và cần được bảo mật.
Cụ thể, Điều 24 (dự thảo) quy định công dân được quyền tiếp cận tất cả thông tin về đất đai; Điều 56 quy định nguyên tắc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai là công khai, minh bạch, không quy định loại trừ về đất quốc phòng, an ninh. Tiếp tục, Điều 60 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không loại trừ công khai về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về đất quốc phòng, an ninh. Và Điều 18 quy định Nhà nước phải đảm bảo cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân.
Như vậy có thể thấy theo quy định tại dự thảo, việc cung cấp thông tin về đất đai không có trường hợp ngoại lệ. Do đó, đề nghị cần quy định, sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến đất quốc phòng, an ninh và cần phải được bảo mật thông tin.
Về các quy định liên quan đến hòa giải tranh chấp đất đai, theo luật sư Hòa, hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã rất quan trọng vì nếu không có hòa giải tại UBND cấp xã thì UBND cấp có thẩm quyền như cấp huyện, cấp tỉnh sẽ không có thẩm quyền giải quyết và tòa án không thụ lý để giải quyết.
Tuy nhiên, luật sư Hòa cho biết hiện nay một số UBND cấp xã sau khi nhận đơn yêu cầu hòa giải đã buộc người dân phải thực hiện các công việc như cung cấp bản vẽ, họa đồ hiện trạng về đất... Điều này vô hình trung gây thêm khó khăn cho người dân về hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND cấp xã.
Do đó, bà đề nghị bổ sung quy định UBND cấp xã không được buộc người dân thực hiện những công việc không được quy định tại Điều 235 khi hòa giải tranh chấp đất đai.
Đề xuất tám loại giao dịch phải công chứng
Khoản 1 Điều 27 dự thảo quy định có tám loại giao dịch quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 3 của điều luật này lại chỉ quy định năm giao dịch đầu tiên phải được công chứng, chứng thực, còn ba giao dịch còn lại thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực mà tùy theo yêu cầu của các bên.
Điều này sẽ gây ra bất cập trong đảm bảo tính xác thực, tính pháp lý của hợp đồng; bất cập trong việc Nhà nước quản lý, thu thuế; trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng. Vì vậy, đề nghị bổ sung những giao dịch này (cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp) cũng phải được công chứng, chứng thực.
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM
Tránh lách luật khi chuyển nhượng đất nông nghiệp
Góp ý liên quan đến quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 46), ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP.HCM, cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với đất trồng lúa. Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp tặng cho người thuộc hàng thừa kế.
Ông Thái cho rằng quy định phải thành lập tổ chức kinh tế để tránh lách luật nhưng vẫn cần quy định cụ thể hơn là thời gian thành lập tổ chức kinh tế để nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp là trong thời gian bao lâu. Nếu không thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng lách luật bằng cách thành lập nhưng không hoạt động.
Cạnh đó, về thời hạn sử dụng đất, phó chánh án TAND TP.HCM cũng cho biết thực tế hiện nay có nhiều trường hợp khi cá nhân, tổ chức thế chấp quyền sử dụng đất thì đất vẫn còn thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, đến khi xử lý tài sản thế chấp thì đất lại hết thời hạn sử dụng. Do vậy, câu chuyện xử lý trong trường hợp này như thế nào cũng là vấn đề cần phải giải quyết.
Từ đó, ông Thái đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về hướng giải quyết trong trường hợp này vào dự thảo.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đại diện VKSND TP.HCM cho biết không đồng tình với dự thảo hiện nay vì quy định về điều kiện bảo đảm năng lực của các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu vẫn chưa cụ thể, còn dẫn chiếu sang luật khác trong khi luật được dẫn chiếu cũng không có quy định rõ ràng, gây nên khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Do đó, để tránh xảy ra tình trạng nhà thầu không có năng lực dự thầu rồi trúng thầu, sau đó lại bỏ thầu khiến cho toàn bộ dự án đấu giá, đấu thầu quay về điểm xuất phát, vừa tốn thời gian vừa hoang phí tiền bạc, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng cần phải quy định trong luật về điều kiện tham gia đấu giá, đấu thầu một cách rõ ràng và có cơ sở áp dụng.•
Nên đổi tên thành Bộ luật Đất đai
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Hiến pháp 2013.
Vì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương, 264 điều đã quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề liên quan đến đất đai từ chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất.
Vì thực tiễn các vụ tranh chấp tại tòa án thì lĩnh vực liên quan đến đất đai đã chiếm 70%-80%.
Vì tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức, pháp nhân hầu hết đều liên quan đến đất đai, bị điều chỉnh, chi phối bởi Luật Đất đai.
Do đó, dự thảo Luật Đất đai (đã bao hàm tất cả nội dung) xứng đáng với tên gọi Bộ luật Đất đai, thay vì tên gọi Luật Đất đai như hiện nay.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA