Ban quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 3 TP.HCM. Sau đó Bộ GTVT có văn bản gửi UBND TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương, Long An về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng dự án.
Gần 250.000 tỉ đồng để hoàn thành
“Nhằm thực hiện khép kín đường vành đai 3 TP.HCM, trong phạm vi tờ trình này thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư khép kín đường vành đai 3” - tờ trình của BQL dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư dự án) gửi Bộ GTVT nêu.
Cụ thể, theo báo cáo toàn dự án gồm bốn đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66 km và 8,3 km các tuyến nối.
Đoạn 1 (Tân Vạn - Nhơn Trạch): Từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao Tân Vạn (đoạn 1A dài 8,75 km đầu tư bổ sung một số hạng mục để khai thác đường cao tốc). Chiều dài tuyến đoạn 1 là 28,4 km và thêm 8,3 km các tuyến nối (gồm tuyến nối với nút giao Thủ Đức dài 5,88 km và tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo, Đồng Nai dài 2,42 km).
Đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn): Từ nút giao Tân Vạn đến nút giao Bình Chuẩn, dài 15,3 km.
Đoạn 3 (Bình Chuẩn - quốc lộ (QL) 22): Từ nút giao Bình Chuẩn đến nút giao QL22, dài 19,1 km.
Đoạn 4 (QL22 - Bến Lức): Từ nút giao QL22 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài 28,86 km.
Sơ đồ dự án đường vành đai 3 dự kiến. Đồ họa: thùy TRANG
Về quy mô đầu tư dự án này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh, quy mô bốn làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/giờ, bề rộng bằng 1/2 mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện là 19,75 m và đường gom. Giai đoạn hoàn thiện: Quy mô tám làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100 km/giờ và đường song hành.
Dự kiến mức đầu tư giai đoạn 1 là 84.684,70 tỉ đồng, giai đoạn hoàn thiện là 165.256,36 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư toàn dự án của hai giai đoạn trên gần 250.000 tỉ đồng.
Từ chiều dài và tổng số tiền dự tính để hoàn thành toàn tuyến, tính ra 1 km đường vành đai 3 phải bỏ số tiền đầu tư xây dựng (xây dựng cơ bản, làm cao tốc, hoàn thiện, giải phóng mặt bằng…) hơn 2.000 tỉ đồng.
Chi phí rất lớn, cần huy động nhiều nguồn
Báo cáo của BQL dự án Mỹ Thuận cho biết chi phí đầu tư dự án rất lớn, nên cần huy động nhiều nguồn vốn hợp pháp cũng như cần sự tham gia của các địa phương.
Theo đó, BQL dự án đề xuất các nguồn vốn đầu tư từ hai phần. Thứ nhất, ngân sách các địa phương sẽ chịu trách nhiệm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom, đường song hành và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thứ hai, phần thực hiện đầu tư theo hình thức BOT có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương cho phần xây dựng đường cao tốc.
Dù cần nguồn vốn lớn nhưng nhiều ý kiến cho rằng đường vành đai 3 rất cần phải hoàn thiện để giúp giao thông giữa TP.HCM và liên vùng tốt hơn.
PGS-TS Chu Công Minh, giảng viên bộ môn Cầu đường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Theo tôi, cần làm sớm dự án vì như hiện nay, giao thông TP.HCM đang hướng tâm rất nhiều, cần các đường vành đai, như vành đai 3 để giải quyết câu chuyện này”.
Theo ông Minh, hiện TP.HCM đang đầu tư nhiều nút giao cửa ngõ như nút giao Mỹ Thủy, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… đó là một trong những giải pháp chống kẹt xe cửa ngõ. Tuy nhiên, vậy là chưa đủ mà cần các đường vành đai để giải bài toán giao thông cửa ngõ, đồng thời tránh các xe phải đi xuyên TP.HCM gây tắc nghẽn.
“Đường vành đai hay một phần đường vành đai khi đi vào hoạt động sẽ tạo hiệu quả ngay với giao thông” - ông Minh nói.
Trong văn bản gửi TP.HCM và ba tỉnh, Bộ GTVT cũng cho biết việc triển khai đầu tư khép kín đường vành đai 3 đã rất chậm so với quy hoạch được duyệt và nhu cầu thực tế.
Về vấn đề này, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng hiện các dự án vành đai khá chậm một phần là vì việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
“Đồng thời có thể thấy khâu thủ tục cho một dự án lớn cũng nhiều thủ tục rắc rối làm chậm dự án. Chúng ta cũng cần thiết phải xem lại vấn đề thủ tục này” - ông Hùng nói thêm.
Đã làm được 18% tổng chiều dài tuyến Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 1697 ngày 28-9-2011. Tổng chiều dài theo quy hoạch là 89,3 km (gồm 73 km làm mới và 16,3 km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã đầu tư). Tổng chiều dài nghiên cứu (của BQL dự án Mỹ Thuận) gồm 91,66 km tuyến chính vành đai 3 và 8,3 km các tuyến nối. Trong đó, chiều dài đường vành đai 3 qua TP.HCM là 47,62 km (chiếm 52%); Bình Dương là 25,93 km (chiếm 28%); Đồng Nai là 11,30 km (chiếm 12%); Long An là 6,81 km (chiếm 7%). Hiện nay chỉ có 15,3 km (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn) trên địa phận tỉnh Bình Dương là đang khai thác với quy mô sáu làn xe cơ giới theo quy mô đường đô thị (chiếm 18% tổng chiều dài đường vành đai 3). Sớm hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Trong văn bản gửi các địa phương, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của dự án, tổng hợp ý kiến các địa phương và rà soát, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để báo cáo Thủ tướng. Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với UBND TP.HCM trong quá trình tổ chức thực hiện. Cũng theo Bộ GTVT, phải khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong nửa đầu tháng 8 để có thể kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10). |