Cần sự đột phá từ cổng dịch vụ công quốc gia

Chiều 12-6, hội nghị trực tuyến Giới thiệu cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp đã diễn ra tại TP.HCM. Hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam đã đến tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội DN đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa cổng dịch vụ công quốc gia.

Chia sẻ với các DN, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng dịch vụ công chỉ thực sự hiệu quả khi được đầu tư đồng bộ ở tất cả ngành, địa phương. “Ví dụ trường hợp kiểm định xe bị phạt nguội ở tỉnh. Yêu cầu đưa ra là phải đóng tiền phạt thì kiểm định mới làm nhưng địa phương đó chưa tham gia vào cổng dịch vụ công quốc gia nên buộc phải đóng trực tiếp” - ông Tuyến nói.

Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để cổng dịch vụ công thực sự hấp dẫn đối với DN, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ công giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch cho DN. Trong đó, cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã mang lại lợi ích rất lớn cho DN, người dân. Thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, các DN, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả bộ ngành, địa phương, thực hiện thanh toán các nghĩa vụ về tài chính, các thủ tục liên quan…

“Tương lai, người dân và DN chỉ cần đăng ký một lần duy nhất trên cổng thay vì phải nộp nhiều lần. Nếu phải nộp thêm giấy tờ sẽ là giúp làm giàu kho dữ liệu” - Bộ trưởng Dũng nói và mong muốn các DN cùng tiếp sức xây dựng chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết sẽ nỗ lực tạo sự đồng bộ hạ tầng, nền tảng dữ liệu, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công.

“Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta, chứ không phải phần mềm hay công nghệ” - ông Dũng chia sẻ. Bộ trưởng sẽ ghi nhận, tổng hợp tất cả ý kiến, phản hồi, đánh giá của người dân và DN trình lên Thủ tướng và gửi đến các bộ, ngành nhằm hoàn thiện thể chế, quy trình cho cổng dịch vụ công.

Đã có 164.000 tài khoản đăng ký

Chính thức khai trương từ ngày 9-12-2019, cổng dịch vụ công quốc gia gồm tám nhóm dịch vụ với 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ cho DN.

Tính đến ngày 10-6, đã có 164.000 tài khoản đăng ký (trong đó có 1.720 tài khoản của DN), hơn 42 triệu lượt truy cập, hỗ trợ trên 13.400 cuộc gọi của người dân và DN. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới