Cần sửa thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh 'già cỗi'
Xung quanh vụ đuổi bảy học sinh (HS) ở Thanh Hóa (sau đó trường đã thu hồi quyết định đuổi này), ngoài tính bất hợp lý của quyết định rất vội vàng với lý do gây nhiều tranh cãi thì căn cứ pháp lý để đuổi học cũng cần được lưu tâm.
Học sinh Trường THPT Linh Trung, TP.HCM rạng rỡ trong ngày khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: THỦY TRÚC
Hình thức xử phạt và mức phạt cho các HS được Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) áp dụng dựa vào Thông tư 08 (về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS phổ thông) của Bộ GD&ĐT từ năm 1988. Với vòng đời thông thường của văn bản pháp luật ở nước ta thì có thể xếp thông tư này vào một trong những văn bản “cao tuổi” bất ngờ đối với một lĩnh vực phức tạp và cần cập nhật như giáo dục.
Với hai Luật Giáo dục năm 1998 và năm 2005, sửa đổi năm 2009 và đang dự thảo sửa đổi lần nữa nhưng thông tư này lại là văn bản có cách đây 30 năm, trước cả khi có luật. Chính vì “tuổi thọ” vượt thời gian của Thông tư 08, có thể dễ dàng nhận ra những lạc hậu và bất cập của nó.
Điển hình, thông tư đưa ra năm hình thức kỷ luật: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và nặng nhất là đuổi học một năm. Trong đó, hình thức khiển trách trước hội đồng kỷ luật hay cảnh cáo trước trường hoàn toàn có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ, những người chưa có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.
Nghiêm trọng hơn là nó trái với Luật Trẻ em 2016: “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, thông tin riêng tư khác”. Đồng thời theo Điều 33 Nghị định 56/2017 (hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em) thì tên, tuổi, hình ảnh, kết quả học tập đều là thông tin riêng tư của trẻ, cũng cần phải giữ bí mật và không được tùy tiện công bố. Hình thức đuổi học lại càng không thể chấp nhận được ở góc độ bảo vệ quyền trẻ em. Việc đuổi học xâm phạm trực tiếp quyền được giáo dục học tập để phát triển toàn diện, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục tại Điều 16 Luật Trẻ em.
Cạnh đó, Thông tư 08 còn kèm theo những quy định lỗi thời và bất hợp lý khác. Chẳng hạn, nếu không thuộc bài từ ba lần trở lên trong thời gian một tháng thì bị khiển trách trước lớp; nếu HS bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết thì bị cảnh cáo trước toàn trường. Theo luật, bị tạm giữ hoặc tạm giam chưa thể được xem là có tội, còn nếu chỉ cần được công an thông báo cho trường mà áp dụng cảnh cáo lại càng tùy tiện hơn nữa… Không những thế, Thông tư 08 không có dòng nào cho phép các em được bày tỏ ý kiến của mình khi bị kỷ luật.
Thật đáng lo ngại cho sự nghiệp trồng người nếu những quy định thiếu nhân văn, bất công, bất cập và trái luật của Thông tư 08 không nhanh chóng được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Qua sự việc này, mong rằng các nhà lập pháp và các nhà quản lý chú ý hơn đến tinh thần của Luật Giáo dục, Luật Trẻ em khi quyết định các biện pháp chế tài với HS. Hãy luôn cẩn trọng vì lợi ích trăm năm. Hãy đừng vì vài chiếc gai mà biến cành hồng thành khô héo và tước mất cơ hội nhìn ngắm những bông hoa rực rỡ trong tương lai.