Cần tăng giá điện để bằng với quốc tế?

 “Việt Nam cần tiến dần đến dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá cacbon”. Đó là kiến nghị lộ trình cải cách hiệu quả chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch được UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) đưa ra trong báo cáo về tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18-6.

Lo ngại lợi cho người giàu hơn người nghèo

Bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP, cho rằng giá năng lượng ở Việt Nam hiện đang thấp so với mức giá thế giới. Bởi lẽ lĩnh vực này đang được Việt Nam kiểm soát giá (trợ giá) và đánh thuế môi trường thấp. Theo phân tích từ báo cáo, trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam chủ yếu cho than đá và các nhiên liệu khác sử dụng cho phát điện. Số liệu từ cơ quan năng lượng quốc tế cho thấy mức trợ giá gián tiếp trong giai đoạn 2007-2012 ở Việt Nam dao động từ 1,2 tỉ USD đến 4,49 tỉ USD mỗi năm. Báo cáo nhấn mạnh: “Trợ giá dẫn đến nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực năng lượng tăng lên và người dân sẽ phải gánh nợ. Trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo và người dân phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng”. Báo cáo cũng nêu lên hàng loạt các lợi ích khi Việt Nam dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu như thu hút được các nhà đầu tư đầu tư vào ngành năng lượng gió, mặt trời nhiều hơn; nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng nguồn cung ứng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và tăng trưởng GDP…

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tự do hóa giá cả ngành điện rất khó thực hiện trong điều kiện độc quyền như hiện nay. Trong ảnh: Thi công một đường dây điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nói “giá năng lượng ở Việt Nam thấp hơn so với quốc tế là do trợ giá và thuế môi trường thấp” là chưa xác đáng. Cách tính toán đơn giản như báo cáo thực hiện lấy giá quốc tế trừ đi giá ở Việt Nam ra con số chênh lệch và cho đấy là mức trợ giá là quên mất một vế của quy luật kinh tế thị trường. Ví dụ ở Việt Nam giá năng lượng dựa vào nguồn tài nguyên rất cơ bản như than, nước…, trong đó thủy điện đang là một phần rất lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam. Điều này có thể giúp cho giá điện ở Việt Nam có giá thành thấp hơn ở những nước khác.

Riêng về giá điện, bà Michaela Prokop nhận xét giá điện của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với thế giới và gần như thấp nhất trong khu vực. Mặc dù giá bán lẻ điện trung bình trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể nhưng nếu tính toán theo giá cố định của năm 2002, có điều chỉnh lạm phát thì giá điện năm năm trở lại đây gần như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2002-2007.

Chuyên gia Phạm Chi Lan lại cho rằng nhóm nghiên cứu không nên so sánh khư khư giá điện Việt Nam như giá quốc tế vì thu nhập Việt Nam thấp hơn các nước nhiều. Ví dụ Singapore thu nhập gấp 35 lần Việt Nam. Chỉ cần mỗi khi giá điện tăng thì giá đầu vào của các sản phẩm tại Việt Nam cũng tăng gấp mấy lần. “Nếu nói bao nhiêu năm qua giá điện của Việt Nam không tăng thì đông đảo người dân sẽ không đồng tình. Giá điện chịu tác động của lạm phát thì lạm phát cũng cướp đi rất nhiều thu nhập của người dân” - bà Lan nhấn mạnh.

Tự do phải xóa độc quyền

Theo bà Michaela Prokop, một trong những quan ngại của công chúng và các nhà hoạch định chính sách về việc gỡ bỏ trợ giá nhiên liệu để thực hiện tự do hóa giá cả sẽ làm tăng giá năng lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Việc này sẽ làm những người nghèo, cận nghèo dễ bị tổn thương. Vì vậy khi thực hiện cải cách giá năng lượng cần hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ nghèo, mở rộng hỗ trợ cho họ và có mức giá năng lượng ấn định riêng cho họ.

“Tôi nghĩ rằng kiểm soát giá là cần thiết vì năng lượng ở Việt Nam do DNNN độc quyền. Nếu không kiểm soát giá thì giá đó có thể hình thành có lợi cho DN và bất lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng là DN sản xuất phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường”. Ngoài việc nhấn mạnh ý này, bà Lan còn lưu ý việc cải cách giá năng lượng là cần thiết nhưng đây là vấn đề rất phức tạp ở Việt Nam. Vì giá năng lượng được hình thành trên thế độc quyền của nhà nước, doanh nghiệp và được duy trì rất lâu.

Cũng theo bà Lan thì tự do hóa giá cả rất khó thực hiện được trong điều kiện độc quyền như hiện nay. Bà Lan phân tích: “Trong đề án kiểm soát độc quyền chính phủ đưa ra tôi cho rằng cải cách DN như thế nào để đi cùng với tự do giá cả. Nếu không thì tự do giá cả trở thành một thứ thiên lệch. Mặt khác, tự do giá cả phải đi đôi với chính sách cho người nghèo và một số ngành sản xuất cần thiết khác. Trong tâm lý của người dân Việt Nam và cả bản thân tôi có những nguồn tài nguyên tự nhiên cung cấp cho những ngành này thì người dân cũng phải được hưởng chứ không thể chỉ có mỗi DN được hưởng còn người dân lại có thể bỏ qua”.

THU HẰNG

Muốn tăng giá phải minh bạch

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết theo chính sách giá năng lượng mới nhất thì giá than theo thị trường, còn giá điện vẫn trợ cấp một ít. Ông Hải nêu ý kiến: “Nếu tính theo giá thực thì giá điện cần tăng lên nhưng cái thiếu ở đây là sự minh bạch hóa, lý giải rõ ràng tại sao giá điện tăng ở mức này và tại sao tăng. Sự minh bạch trong chính sách giá năng lượng và minh bạch trong ngành điện cần rõ hơn. Đồng thời khi tăng giá cần báo trước để nền kinh tế có thể điều chỉnh kịp thời, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều từ năng lượng như thép, xi măng, vận tải… sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu tăng giá một cách đột ngột”.

Ngoài ra, theo ông Hải, hiện nay EVN và một số DNNN đang hưởng cơ chế hoạt động vừa theo lợi ích kinh doanh vừa làm nhiệm vụ xã hội. Hai nhiệm vụ này chưa tách bạch nên khi lỗ, DN thường đổ do làm nhiệm vụ xã hội. “Tôi muốn nhấn mạnh đến tính minh bạch giữa hai chức năng này, phần nào đầu tư cho xã hội bao nhiêu, phần nào kinh doanh bao nhiêu phải minh bạch ra” - ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới