Biểu giá điện chưa hợp lý

Trong thời điểm mùa khô, các nhà máy nhiệt điện đều chạy hết công suất nên buộc phải tăng lượng than mua từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Do từ 1-1-2014, giá than cho ngành điện được điều chỉnh tăng 4%-10% nên ngành điện luôn kêu lỗ. Vì thế việc tăng giá điện là khó tránh khỏi trong 1-2 tháng tới.

. Phóng viên:Được biết bà vừa hoàn thành nghiên cứu liên quan đến biểu giá điện, tiêu dùng điện. Theo bà, phản ứng tiêu dùng điện sẽ ra sao khi giá điện tăng?

+ PGS-TS Phan Thị Thanh Bình, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM: Nghiên cứu của tôi dựa trên số liệu năm 2011, 2012 và giai đoạn này có bốn lần tăng giá điện. Mỗi lần giá điện tăng thì tiêu dùng điện sẽ giảm, nhất là trong những ngày đầu, rõ nhất là ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau 1,5-2 tháng thì điện năng tiêu thụ lại tăng trở lại, ngang bằng trước khi giá điện tăng, rồi sau đó còn tăng thêm nên lượng điện tiêu thụ năm 2012 tăng 8,5% so với 2011.

. Diễn biến dùng điện như vậy là tốt hay không, thưa bà?

+ Không tích cực. Đối với nhóm doanh nghiệp công nghiệp, khi giá điện tăng, thay vì duy trì mức sản xuất và điều chỉnh thời gian sản xuất trong ngày, trong tuần thì họ lại làm động thái đơn giản hơn là giảm sản xuất trong những ngày đầu tiên. Nhưng vì nhu cầu sản xuất không giảm, sau đó họ vẫn phải dùng điện trở lại như trước khi tăng giá. Ở các nước, mỗi khi giá điện tăng hợp lý thì tiêu dùng điện vẫn không giảm mà doanh nghiệp sẽ chuyển sản xuất sang giờ khác, chẳng hạn sang ca ba.


Ảnh: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia 

. Vậy biểu giá điện và tiêu dùng điện như thế nào thì mới gọi là tích cực?

+ Các nước phát triển có biểu giá điện rất chi tiết, linh hoạt và mang tính khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, đặc biệt là với khối doanh nghiệp công nghiệp. Ví dụ ở Nhật, giá điện linh hoạt cho từng vùng miền, từng lĩnh vực, từng ngành nghề sản xuất, từng giờ, từng ngày, từng mùa... Nhờ đó đồ thị điện năng tiêu thụ của các nước phát triển có hình dáng bằng hơn của ta, lúc cao điểm chỉ gấp khoảng 1,5 lần thấp điểm. Còn đồ thị của ta hình “đồi núi” với nhiều đỉnh tiêu thụ điện, mức cao, thấp chênh nhau đến 1,8 lần. Hệ thống điện nhiều đỉnh như vậy giống một cái máy, giờ này chạy nhơi nhả nhưng một lúc sau phải chạy hết ga, đương nhiên không tốt bằng cái máy được chạy đều đều.

Các nước xem biểu giá điện là công cụ điều chỉnh tiêu dùng điện. Giá điện đúng giúp doanh nghiệp có thể sắp xếp lại sản xuất. Tiêu dùng hợp lý, đồ thị hợp lý giúp đầu tư ngành điện hiệu quả hơn, đỡ lãng phí, sự vận hành lưới điện tốt hơn, hệ thống điện bảo đảm an toàn hơn...

. Từ nghiên cứu này, bà có đưa ra giải pháp gì cho ngành điện Việt Nam?

+ Hiện nay giá điện cho doanh nghiệp có ba mức giá trong ngày. Ví dụ, giờ cao điểm sáng và tối có giá điện cao hơn, có mục đích điều chỉnh tiêu dùng điện sang giờ khác, tránh giờ cao điểm đi. Thế nhưng điều lạ là hiện ở TP.HCM có một đỉnh về tiêu dùng điện, lượng điện tiêu thụ còn cao hơn giờ cao điểm sáng và tối nhưng giá điện lại là giá của giờ bình thường. Đỉnh này xuất hiện vào lúc 14 giờ và có thể gây áp lực cho lưới điện TP.HCM. Nên chăng ta có một giá điện cao cho giờ này, đồng thời giảm giá mạnh cho giờ khác để doanh nghiệp chuyển bớt sản xuất sang giờ có giá thấp.

Nghiên cứu của tôi cũng cho thấy điện năng tiêu thụ ngày nhiều nhất xảy ra vào thứ Tư, thứ Năm, ít nhất là thứ Bảy, Chủ nhật. Việc có sự khác biệt rõ rệt giữa giá điện ngày thường và ngày nghỉ cũng có thể giúp khách hàng điều chỉnh lại việc tiêu dùng điện theo hướng hiệu quả.

. Việc tăng giá điện ban ngày, giảm giá điện ban đêm nhằm khuyến khích san tải điện. Nhưng nếu cho công nhân làm việc ban đêm thì doanh nghiệp phải trả chi phí cao hơn, có nghĩa họ sẽ lỗ hơn?

+ Các nước đều có cách tính để giá điện rẻ đủ để doanh nghiệp điều chỉnh thời gian sản xuất mà không lỗ! Ví dụ, tiền lương cho công nhân làm ca ba cao hơn nhưng bù lại các doanh nghiệp mà tiền điện chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất sẽ có lợi hơn vì giá điện thấp vào ban đêm.

. Xin cảm ơn bà.

QUỲNH NHƯ thực hiện

 

Ba mức giá điện đang áp dụng

Hiện nay giá điện dao động theo cấp điện áp và thời gian sử dụng điện trong ngày. Giờ thấp điểm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau của tất cả ngày trong tuần; giờ cao điểm gồm 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 (hai tiếng) và 17 giờ đến 20 giờ (ba tiếng) của thứ Hai đến thứ Bảy; còn lại là giờ bình thường. Giá bán lẻ điện cho các ngành không phân biệt lĩnh vực sản xuất 792-897 đồng/kWh (giờ thấp điểm, tùy cấp điện áp), 1.277-1.406 đồng/kWh (giờ bình thường) và 2.284-2.542 đồng/kWh (giờ cao điểm). Ngoài ra, biểu giá điện còn chia ra giá cho bơm nước tưới tiêu, giá cho thương mại, giá điện cho khu vực hành chính - sự nghiệp, giá điện sinh hoạt.

Năm 2013, Bộ Công Thương từng đưa ra dự thảo về biểu giá điện, trong đó có giá điện riêng cho ngành thép. Tuy nhiên, nội dung này về sau bị bỏ đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm