Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Danh mục bao gồm:
- Xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hoả, dầu điêzen, dầu mazut;
- Điện bán lẻ;
- Khí dầu mỏ hoá lỏng (LGP);
- Phân đạm urê; phân NPK;
- Thuốc bảo vệ thực vật;
- Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
- Muối ăn;
- Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuối;
- Đường ăn;
- Thóc, gạo tẻ thường;
- Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ sau đây phải thực hiện kê khai và niêm yết giá:
- Hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hành hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá;
- Xi măng, thép xây dựng;
- Than;
- Thức ăn chăn nuôi, thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản;
- Giấy in, viết, giấy in báo;
- Giá dịch vụ tại cảng biển, cảng hàng không sân bay;
- Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng;
- Sách giáo khoa;
- Giá vé máy bay nội địa;
- Dịch vụ khám, chữa bệnh;
- Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, taxi;
- Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi;
- Hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với các hàng hoá, dịch vụ ở trên việc thay đổi giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 55 triệu tuỳ vào tổng giá trị của hàng hoá và hành vi vi phạm. Ngoài ra phải nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính do vi phạm hành chính.
Hành vi tăng, giảm giá bất hợp lý được liệt kê tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP và Thông tư 31/2014/TT-BTC bao gồm:
- Tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước;
- Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai; tuy nhiên mức giá đã đăng ký hoặc kê khai không được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận và đã có văn bản yêu cầu giải trình hoặc yêu cầu đình chỉ áp dụng.
- Tăng hoặc giảm giá hàng hoá, dịch vụ khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tăng, giảm giá bất hợp lý gồm có Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá, Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Thanh tra viên, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và các chức danh tương đương, cơ quan quản lý thị trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp.
Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang thi hành công vụ hoặc công chức đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi phát hiện vi phạm có quyền lập biên bản làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính.
PLF cho rằng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, cách nhanh nhất người tiêu dùng nên báo với cơ quan quản lý thị trường khi phát hiện hành vi vi phạm.