Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng bày tỏ sự đồng thuận với UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM về sự cần thiết đầu tư dự án trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Theo Bộ GTVT, trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang là tuyến đường kết nối TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch bằng tuyến Quốc lộ 50B, với chiều dài 55km. Trong đó, đoạn đi qua TP.HCM dài 5,8km, tỉnh Long An dài 35,6km, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài 14km. Quy mô dự án sáu làn xe.
Để triển khai dự án trên, từ năm 2018, các địa phương thực hiện kêu gọi đầu tư bằng các hình thức như BT (xây dựng chuyển giao), PPP (đối tác công - tư), đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ba cầu lớn (Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) và khoảng 10,8 km đường dẫn vào cầu thuộc địa phận tỉnh Long An xác định được phương án đầu tư, các đoạn còn lại chưa triển khai.
Vì vậy, Bộ GTVT nhận định việc triển khai nghiên cứu tổng thể dự án trên để hoàn thành tuyến đường là hết sức cần thiết.
Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với các tỉnh về việc tiếp tục đầu tư cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây theo phương án được Thủ tướng phê duyệt. Đó là sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc để đầu tư, đảm bảo quy mô sáu làn xe.
Về hướng tuyến, Bộ GTVT cũng thống nhất với đề xuất của các địa phương. Nhưng ngành giao thông lưu ý, nghiên cứu các vị trí kết nối, giao cắt với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, đặc biệt là đoạn đi song song với cao tốc CT.33, đường sắt nhánh kết nối TP.HCM - Cần Thơ với cảng Hiệp Phước...
Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT nhất trí với các địa phương về đề xuất triển khai dự án theo hình thức PPP. Tuy nhiên, bộ nhận thấy việc triển khai hiện còn gặp một số vướng mắc do chưa hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu dọc tuyến; chưa tổ chức lập danh mục kêu gọi đầu tư và chưa có nhà đầu tư quan tâm lập hồ sơ đề xuất dự án.
Do vậy, Bộ GTVT lưu ý các tỉnh cần tập trung triển khai công tác chuẩn bị về quy hoạch và đề xuất dự án.
Về phương án hỗ trợ, Bộ GTVT cho biết dự kiến hỗ trợ Long An, Tiền Giang và TP.HCM chủ trì kêu gọi đầu tư, hoặc cân đối ngân sách địa phương cho phần chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng phần đường song hành theo quy hoạch được duyệt của các địa phương.
Thêm vào đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính nghiên cứu phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho phần triển khai thực hiện đầu tư tuyến chính bảo đảm quy mô đường sáu làn xe, tổng kinh phí khoảng 7.583 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận TP.HCM được hỗ trợ kinh phí khoảng 2.619 tỉ đồng; đoạn qua tỉnh Long An khoảng 2.796 tỉ đồng; đoạn qua tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ 2.168 tỉ đồng.
Để triển khai các bước tiếp theo, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao các tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM chủ trì nghiên cứu phương án chi tiết các phương án đầu tư; phân tích, lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp.
Các tỉnh cũng được giao làm rõ về nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn bố trí cho dự án để tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án theo quy định.
“Trường hợp cần thiết hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…”- Bộ GTVT cho hay.
Dự án nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang có tổng mức đầu tư khoảng 28.616 tỉ đồng, nhưng mới xác định được nguồn vốn hơn 10.456 tỉ đồng, cần tiếp tục cân đối khoảng 18.160 tỉ đồng.
Cụ thể, đoạn qua TP.HCM có mức vốn 5.238 tỉ đồng, nhưng mới cân đối 2.619 tỉ đồng, còn thiếu 2.619 tỉ đồng. Đoạn qua tỉnh Long An mức vốn 16.208 tỉ đồng, mới cân đối hơn 4.797 tỉ đồng, số còn chưa xác định được nguồn. Đoạn tỉnh Tiền Giang tổng mức đầu tư khoảng 7.170 tỉ đồng vẫn chưa cân đối được.
Hiện quốc lộ 50 đang triển khai thi công mở rộng. Nếu đầu tư thêm tuyến quốc lộ 50B sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại