Chiều 29-6, tại TP Cần Thơ, Tổ công tác đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức cuộc họp lần thứ 2.
Cuộc họp do Bộ KH&ĐT chủ trì với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành liên quan, WB, 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM.
Tại cuộc họp, nhiều địa phương có dự án sử dụng vốn vay WB kết thúc vào tháng 6-2024 đã báo cáo những khó khăn trong việc thực hiện dự án tại địa phương mình và đề nghị Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành có giải pháp gỡ vướng.
Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có một dự án sử dụng vốn vay WB là Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (Dự án 3), với tổng mức đầu tư (làm tròn số) là 9.100 tỉ, trong đó vốn vay ODA 5.700 tỉ, vốn đối ứng 3.300 tỉ.
Ngày mai, 30-6-2024, Dự án 3 kết thúc hiệp định. Trong thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung tổ chức thực hiện, đã triển khai 45 gói thầu, đến nay đã hoàn thành 42 gói, còn lại 3 gói là cải tạo các tuyến kênh rạch hiện nay đang làm dở dang. Tổng khối lượng đạt trên 80%, chưa hoàn thành toàn bộ theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm; giải pháp thi công các gói thầu cũng khó khăn.
Khối lượng xây lắp còn lại của dự án sau khi kết thúc hiệp định, TP Cần Thơ kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách để tiếp tục thực hiện, sớm hoàn thành dự án. Dự kiến sẽ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2026 và điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá cuộc họp lần này các dự án sử dụng vốn vay WB gặp khá nhiều vướng mắc, trong đó có những vướng mắc có thể giải quyết được nhưng đại bộ phận các vướng mắc gần như là “bất khả thi”.
Theo ông Phương, đây là vấn đề rất lớn và đề nghị bộ phận thường trực Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) tổng hợp để báo cáo tại phiên họp Ban chỉ đạo ODA sắp tới. Đồng thời, ông cũng cho biết, “Bộ KH&ĐT cũng chưa nghĩ ra được cách nào để giúp các địa phương thoát khỏi bối cảnh này”.
Cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng có những chia sẻ, phân tích các khó khăn với nhóm dự án hết hạn và không gia hạn được hoặc tối đa 31-12-2024…
“Tựu chung lại, đây là bài học kinh nghiệm rất là đắt để chúng ta giúp cho những dự án sau này, để chúng ta làm kế hoạch cũng phải chuẩn, các bước thực hiện dự án cũng phải tốt chứ không phải cứ kéo dài lê thê xong rồi đến lúc không kéo được nữa, vô hình trung đẩy dự án vào bế tắc, ngõ cụt” – ông Phương nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, cuộc họp chỉ mới tháo gỡ được cho một dự án vệ sinh môi trường của TP.HCM về việc trình Thủ tướng ký sớm quyết định gia hạn cho TP.HCM… Ông cũng đề nghị TP.HCM không dừng dự án, vẫn tiếp tục thực hiện, chỉ chưa giải ngân trong thời gian này.
Nhiều dự án kết thúc vào tháng 6-2024
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) cho biết, các dự án sử dụng vốn vay của WB đang triển khai có 10 hiệp định với tổng vốn vay cam kết 2 tỉ USD, vốn vay đã giải ngân 1,2 tỉ USD, phần chưa giải ngân 1 tỉ USD.
Trong đó, những dự án có hiệp định vay kết thúc vào cuối tháng 6-2024 cần tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại và hoàn tất công tác thanh, quyết toán trong thời gian tới.
Cụ thể, các Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL có dự án của Bộ NN&PTNT và tỉnh Bạc Liêu thiếu kế hoạch vốn nước ngoài trung hạn và năm 2024.
Các dự án mở rộng nâng cấp đô thị ĐBSCL gồm các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang hiện gặp khó khăn về kế hoạch vốn (vay lại, ngân sách trung ương cấp phát) để giải ngân năm 2024.
Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị thì không kịp hoàn thành hạng mục đầu tư sử dụng vốn vay WB; WB không đồng ý gia hạn.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 hiện đang tiến hành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và kéo dài thời gian đến 31-12-2026…