Chiều 27-9, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2022 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025; Công bố đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP Cần Thơ năm 2022.
TS Trần Toàn Thắng báo cáo về kết quả khảo sát chỉ số DDCI Cần Thơ năm 2022 tại hội nghị chiều 27-9. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại hội nghị, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), Chủ nhiệm đề án đã báo cáo về kết quả khảo sát chỉ số DDCI Cần Thơ năm 2022. Việc thực hiện đề án bắt đầu từ cuối năm 2021, đến tháng 7-2022 có báo cáo ban đầu.
“Đây là năm đầu tiên Cần Thơ lấy thông tin về chỉ số DDCI. Chúng tôi kỳ vọng các năm tiếp theo các thông tin từ chỉ số này sẽ thú vị hơn vì có sự so sánh giữa các năm, thể hiện rõ sự cạnh tranh giữa các sở, ngành và quận, huyện” – ông Thắng cho hay.
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với 15 sở, ngành của thành phố, ba đơn vị có điểm số cao nhất là Sở Công thương, Bảo hiểm xã hội và Sở NN&PT-NT. Đây là những đơn vị trên 60 điểm (thang điểm 100), bỏ khá xa nhóm ở cuối và nhóm trung bình. Ba đơn vị gồm Sở TN&MT, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Sở Xây dựng đứng cuối cùng với điểm số lần lượt là 45,95 điểm, 44,21 điểm và 41,71 điểm.
Với 9 quận, huyện thì ba địa phương đứng đầu là Thới Lai (73,7 điểm), Ô Môn (64,7 điểm) và Ninh Kiều (61,5 điểm). Ba địa phương xếp cuối là Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Bình Thủy.
Kết quả xếp hạng DDCI Cần Thơ năm 2022 thể hiện Sở Xây dựng và quận Bình Thủy xếp chót bảng. Ảnh: NHẪN NAM |
Báo cáo nêu ra một số hạn chế như tỉ lệ doanh nghiệp (DN) cho rằng “có mối quan hệ với cán bộ nhà nước” giúp các DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các thông tin còn tương đối cao (81,88%), hiện tượng nhũng nhiễu còn cao (70,1%), đặc biệt vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Các DN cho rằng vẫn có sự trì hoãn, chậm trễ trong thực hiện các quyết định/chủ trương của UBND TP (trung bình 55,8% đồng tình). Về tính công bằng, DN đánh giá “có mối quan hệ” sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin của sở, ban, ngành (trung bình 81,8%).
Vẫn còn hiện tượng DN nhà nước hoặc DN nước ngoài và DN lớn khác đang hoạt động trên địa bàn được các sở/ngành, địa phương ưu ái hơn so với DN nhỏ, khu vực tư nhân. Những ưu ái này thể hiện qua tiếp cận thông tin, nguồn lực, thuận lợi hơn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cũng theo ông Thắng, kết quả DDCI theo tính toán của Cần Thơ là tương đối thấp so với một số tỉnh xung quanh như Đồng Tháp, An Giang, và thấp ở hầu hết các chỉ số phụ.
Từ đó, ông Thắng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện nghiên cứu sâu về kết quả DDCI này, lên kế hoạch cải thiện từng chỉ số phụ của đơn vị mình; xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để cải thiện tình hình; gắn kết quả DDCI của từng sở, ngành với việc xem xét thi đua khen thưởng hàng năm…
Theo Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, từ năm 2023, TP Cần Thơ sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI đối với 27 sở/ngành, đơn vị và 9 quận/huyện. Kết quả đánh giá DDCI từ năm 2023 sẽ đưa vào để bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.
DDCI giúp lãnh đạo nhìn lại mình, soi rọi kết quả điều hành
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thành phố tiến hành khảo sát đánh giá DDCI.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM |
Theo ông Trường, kết quả này giúp cho lãnh đạo thành phố và lãnh đạo cơ sở nhìn lại mình, soi rọi lại kết quả điều hành cũng như sự kỳ vọng của cộng đồng DN đối với các sở, ngành và quận, huyện. Từ đó cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc thành phố, nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng TP Cần Thơ gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trường nói vẫn còn hạn chế, tồn tại như vẫn còn một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa cụ thể hóa mục tiêu, nội dung thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, từ đó dẫn đến mô hình mới, điển hình tiên tiến còn rất ít.
Cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định văn hóa công vụ; còn biểu hiện chưa chuẩn mực trong thực thi công vụ, còn trường hợp nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân, DN...
Theo đó, ông Trường nêu ra bảy nhiệm vụ để các sở/ngành, địa phương thực hiện nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh và thứ hạng của từng sở/ngành, địa phương, đơn vị qua phương pháp khảo sát DDCI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của thành phố trong thời gian tới.