Chiều 26-6, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các quận, huyện để phân tích chỉ số cải cách hành chính (CCHC) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2018 của TP.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì Hội nghị. Ảnh: NN
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, trong những năm vừa qua, công tác CCHC luôn được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt qua nhiều năm và có những cố gắng rất lớn trong các năm 2013, 2014.
Năm 2019, TP cũng chọn chủ đề đẩy mạnh CCHC, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Với việc chọn chủ đề như vậy, lãnh đạo TP rất quan tâm và mong muốn rằng CCHC sẽ là trọng tâm đổi mới trong công tác để cải cách nói chung hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.
“Kết quả vừa qua, chỉ số CCHC cấp tỉnh của TP nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước với thứ hạng là 6/63 tỉnh, thành. Đây là một kết quả tốt, đáng phấn khởi. Tôi biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các tập thể, tổ chức, cá nhân đã có những thành tích xuất sắc đóng góp vào việc cải thiện chỉ số hành chính của TP năm 2018” – ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho biết, về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (chỉ số SIPAS) thì TP Cần Thơ lại nằm trong nhóm các điạ phương có chỉ số thấp, chỉ đứng thứ 45/63 tỉnh, thành.
“Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ, phân tích đánh giá một cách sâu sắc thông qua hội nghị này để tìm ra các giải pháp, các hướng để khắc phục tình trạng này. Đây chính là mục tiêu TP tổ chức hội nghị hôm nay.
Tôi đề nghị các sở, ngành, các địa phương tích cực thảo luận tìm ra nguyên nhân biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước từ TP đến phường, xã. Làm sao thực sự tăng cường được niềm tin của người dân, cũng như sự hài lòng của người dân vào hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Qua đó góp phần thành công triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP trong năm 2019” – ông Mạnh gợi ý.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin về các chỉ số CCHC và chỉ số SIPAS của TP. Ảnh: NN
Báo cáo về kết quả chỉ số CCHC của TP, ông Trương Hồng Dự - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục là chỉ số đạt thấp, chưa đáp ứng mong đợi của TP.
Với kết quả đạt được là 67,48%, chỉ số “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của TP xếp vị trí 57/63 tỉnh, thành, là một trong 10 đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số thành phần này.
Cũng theo ông Dự, kết quả SIPAS 2018 cho thấy ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công ở Cần Thơ là mở rộng các hình thức thông tin để người dân, tổ chức biết đến cơ quan nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Duy Bình- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, toàn TP có hơn 26.000 công chức, viên chức. Về hạn chế chung là số lượng cán bộ, công chức (CBCC) tuy đông nhưng vừa thừa vừa thiếu, một số chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực CBCC một số nơi chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số nơi tuyển dụng chưa đúng quy định…
“TP phân cấp mạnh cho các địa phương, giám đốc các sở, ngành trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý, nâng lương. Tới đây, theo quy định của Đảng, Nhà nước, những trường hợp bổ nhiệm không đúng hoặc điều động bổ nhiệm không đúng thì sẽ hủy toàn bộ kết quả. Do đó, các địa phương và sở ngành phải lưu ý để thực hiện đúng điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại về công tác cán bộ” – ông Bình lưu ý.
Cạnh đó, ông Bình cho biết, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho TP để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Theo đó, các giải pháp cụ thể là Sở Nội vụ sẽ rà soát các quy định phân cấp, quản lý CBCC để điều chỉnh, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn.
Rà soát các vị trí việc làm và cùng các sở, ngành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ để làm cơ sở xác định vị trí việc làm, giảm biên chế, nâng cao chất lượng bộ máy tổ chức. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí và tiêu chuẩn ngành, chức danh.
Đây là công việc hết sức quan trọng, đòi hỏi Sở Nội vụ tham mưu UBND TP nhưng các sở ngành là nơi quản lý trực tiếp thì phải quy hoạch đối tượng để khi bổ nhiệm đảm bảo đúng quy định. Cạnh đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tới đây khi kiểm tra về công tác cán bộ, các quyết định không đúng quy định thì Sở kiên quyết tham mưu thu hồi…