Ngày 29-3, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài định kỳ quý I. Tại đây, có ý kiến PV đặt câu hỏi về vấn đề PCCC trong các chung cư ở Cần Thơ hiện nay như thế nào. PV có nêu ra vấn đề nguy cơ cháy ở chung cư Tây Nguyên Plaza…
Phó giám đốc Sở PCCC TP Cần Thơ cho biết hiện TP Cần Thơ chỉ có xe thang chữa cháy cao 52 m, tương đương đến tầng 15 thôi. Ảnh: NN
Đại tá Vũ Văn Tảo, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, cho biết chung cư Tây Nguyên Plaza trước đây khi mới xây dựng có đầy đủ hệ thống báo cháy tự động. Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả nên số người dân ở rất ít, số người mua đầu cơ không bán được và hiện nay hệ thống phòng cháy bị hư hỏng rất nhiều.
Năm vừa rồi cơ quan PCCC kiểm tra chung cư này và đã phạt, tiếp tục kiến nghị khắc phục. Nhưng hiện nay ban quản lý chung cư tự giải tán do không có tiền trả cho ban quản lý, chỉ có một phụ nữ được thuê để trông coi và thu tiền điện, nước. Chủ đầu tư đã về TP.HCM.
“Đối với chúng cư này, tới đây chúng tôi tiếp tục mời, nếu họ không xuống thì sẽ có văn bản báo cáo UBND TP xin ý kiến” - Đại tá Tảo cho hay.
Cũng theo phó giám đốc Sở PCCC, đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao thì xử lý, có thể là đình chỉ, thí dụ như quán karaoke, vũ trường. “Phạt mà không khắc phục thì đình chỉ, kiến nghị thu giấy phép. Nhưng mà còn với các chung cư, nếu mình đình chỉ thì dân đi đâu? Đây cũng là vấn đề khó” - ông Tảo băn khoăn.
Nhiều vấn đề PV nêu ra tại buổi họp đã được nhiều sở, ngành trả lời cụ thể. Ảnh: NN
Ông Tảo cũng cho hay tháng 4 tới lực lượng PCCC Cần Thơ sẽ tổng kiểm tra tất cả chung cư, nhà hàng, khách sạn, những nơi có nguy cơ cháy nổ cao và sẽ có báo cáo cụ thể với Thành ủy, UBND TP để có hướng chỉ đạo xử lý.
Ngoài ra, cơ quan PCCC sẽ có tổng kiểm tra và sẽ trình HĐND hướng khắc phục của những công trình xây trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC).
“Năng lực của Cần Thơ, chúng tôi có thang cao nhất có 52 m, chỉ đến tầng 15 thôi. Cái này cũng là một cái thực tế rất khó khăn. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, tập huấn để khi có cháy nổ xảy ra thì có lực lượng tại chỗ và hệ thống báo cháy tự động tại các chung cư cao tầng phải hoạt động được…” - ông Tảo cho hay.
Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin về cầu Vàm Cống, chính sách hỗ trợ sân bay Cần Thơ. Ảnh: NN
Có PV hỏi về sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống và phương án xử lý như thế nào? Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin: Ngày 14-11-2017, trong quá trình thi công đơn vị thi công phát hiện một vết nứt trên dầm ngang trên đỉnh trụ B29, kích thước vết nứt là rộng 4 cm, dài 1,5 m.
Sau khi phát hiện sự cố thì Ban quản lý dự án đã báo cáo Bộ GTVT và Bộ đã tạm ngừng thi công dự án này lại. Hiện nay Bộ đang mời một số chuyên gia trong và ngoài nước để đánh giá tìm hiểu và xác định rõ nguyên nhân của sự cố này như thế nào. Nhưng tại phiên họp báo Chính phủ chiều 2-2-2018, Bộ GTVT thông tin chưa xác định được cụ thể nên cũng chưa biết chính thức ngày nào cầu Vàm Cống được đưa vào khai thác sử dụng.
Về ý kiến tổ chức thường xuyên các đường bay quốc tế Cần Thơ, ông Dũng cho biết theo báo cáo lượng khách qua sân bay Cần Thơ năm 2017 chỉ đạt 660.000 khách/năm là quá thấp so với quy hoạch 3 triệu lượt khách/năm. Hiện đường bay nội địa chỉ có Cần Thơ đi Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo. Đường bay quốc tế thì dịp Tết chỉ có vài chuyến chở cô dâu Việt từ Đài Loan về ăn Tết. Mới đây mở thêm chuyến dịp hè đi Thái Lan.
Cũng theo ông Dũng, Bộ GTVT đã có hai hội nghị xúc tiến mở đường bay mới đến Cần Thơ, tuy nhiên các hãng chưa mặn mà mở đường bay mới. Lý do là lượng khách ít và lỗ ban đầu. Năm 2017, UBND TP giao cho Sở GTVT dự thảo một cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng mở đường bay mới đến Cần Thơ.
“Chúng tôi đưa ra nhiều cơ chế như hỗ trợ về tài chính, trợ giá người đi máy bay, tuyên truyền quảng bá xúc tiến… Nhưng phương án trợ giá cho người sử dụng bằng ngân sách không được Bộ Tài chính duyệt nên đề án này tạm thời ngưng lại” - ông Dũng cho biết.