Một bất cập lớn hiện nay là các tòa án thường từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp không có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề tranh chấp. Khi đó quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên có liên quan không được tòa bảo vệ. Từ đó ban soạn thảo BLDS sửa đổi đã đề ra phương án sửa đổi theo hướng tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Trong trường hợp này, tòa sẽ áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để giải quyết.
Trách nhiệm của tòa là giải quyết cho dân
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhất trí với phương án sửa đổi của dự thảo. Các chuyên gia nhận định quyền của người dân là tiếp cận pháp luật, còn trách nhiệm của tòa là giải quyết cho dân.
“Hiến pháp 2013 đã sửa đổi, bổ sung vị trí tòa án là cơ quan bảo vệ công lý. Tòa từ chối thì dân biết cậy nhờ ai bảo vệ quyền lợi của mình? Anh cứ thụ lý cái đã, còn giải quyết ra sao thì cứ dựa đúng pháp luật mà làm” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhìn nhận dự thảo BLDS sửa đổi quy định như vậy là phù hợp, cần thiết vì nếu tòa án chỉ thụ lý dựa vào có luật để điều chỉnh thì không bao giờ là đủ bởi luật không bao giờ theo kịp thực tiễn.
Một đương sự đang nộp đơn khởi kiện. Ảnh: PL
Góp thêm một ý, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay các tòa thường đưa ra rất nhiều lý do để từ chối nhận đơn kiện và thụ lý, kể cả những lý do tưởng chừng vô lý như không đủ điều kiện về hình thức. Luật sư Hòa dẫn chứng: Không ít vụ cán bộ tòa máy móc từ chối nhận đơn kiện chỉ vì trong đơn, đương sự ghi là “người khởi kiện” thay vì ghi “họ và tên người khởi kiện”.
“Xin đừng đòi hỏi quá cao ở người dân về mặt này, rằng người dân phải viết đầy đủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng theo mẫu thì tòa mới thụ lý đơn. Tốt nhất là chúng ta nên thống nhất rằng khi quyền công dân, quyền con người, các quyền của người dân bị xâm phạm thì tòa phải tiếp nhận đơn kiện và thụ lý” - luật sư Hòa nói.
Bảo vệ người thứ ba ngay tình
Điều 148 dự thảo BLDS sửa đổi quy định như sau: Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Dự thảo cũng quy định trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Nhiều ý kiến đồng tình với phương án sửa đổi nói trên bởi quy định mới này sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao dịch dân sự. “Việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự” - ThS Nguyễn Trương Tín (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét.
Về vấn đề nếu bảo vệ quyền của người thứ ba ngay tình thì sẽ gây bất lợi cho các chủ thể khác, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều cách để các chủ thể khác tự bảo vệ mình như yêu cầu tòa kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi khởi kiện. Hoặc chủ sở hữu sẽ được bảo vệ thông qua một cơ chế khác như bồi thường nhà nước.
Bảo vệ bên có thiện chí Thực tế đang tồn tại một bất cập khác là trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn. Tuy nhiên, bên không thiện chí thường không tuân thủ quyết định đó và vì vậy giao dịch sẽ bị tòa tuyên vô hiệu, gây bất lợi cho bên thiện chí là người muốn tiếp tục thực hiện giao dịch. Nhiều chuyên gia đã đề xuất phương án sửa đổi theo hướng công nhận giao dịch dân sự đã chuyển giao vật, tiền hoặc đã thực hiện công việc vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó. |