Chiều 15-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, sau khi nghị quyết ra đời Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản pháp luật để triển khai.
Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương năm 2021 tinh giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021.
Cạnh đó ĐVSNCL cũng tăng cường tự chủ tài chính, mở rộng các hoạt động dịch vụ sự nghiệp, thực hiện thay thế nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.
Song song đó, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, thu hút được nhân lực có chất lượng vào làm việc.
Hội nghị lắng nghe các ý kiến đại biểu, chuyên gia đánh giá. Ảnh: Ban KTTW |
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã được cụ thể hóa, phân công, giao nhiệm vụ, song đến nay có nội dung tiến độ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chẳng hạn việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học. Việc thực hiện chuyển các ĐVSNCL có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý triển khai còn chậm.
Các ĐVSNCL khi chuyển sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết. Chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các ĐVSNCL khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính
Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng về cơ bản các ý kiến đều nhất trí những hạn chế trên do việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số cấp ủy còn chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai nhiệm vụ; một số mục tiêu chưa đạt được bởi nguyên nhân chủ yếu là thể chế chưa đảm bảo kịp thời, đồng bộ, khả thi.
Vì vậy, để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện Nghị quyết, cần tập trung đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện thể chế đảm bảo kịp thời, đồng bộ và khả thi, trong đó tập trung các giải pháp về tinh gọn đầu mối, biên chế hưởng lương từ ngân sách gắn việc nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thu hút tham gia của xã hội, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công.
Khi tổ chức thực hiện, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu phải phân công rõ trách nhiệm trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, gắn trách nhiệm cá nhân. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài cả hệ thống chính trị.
“Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của Hội nghị sơ kết, Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo báo cáo sơ kết, tờ trình và kết luận để trình Bộ Chính trị trong tháng 12-2022 theo đúng kế hoạch…”- ông Trần Tuấn Anh nói.