Video: Cần tính toán đầy đủ thiệt hại để bồi thường cho người bị thu hồi đất |
Ngày 14-3, Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP Cần Thơ đối với 19 tỉnh, thành khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.
Nên ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần?
Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến về bảng giá đất, trong đó hầu hết ý kiến cho rằng việc ban hành bảng giá đất hàng năm gây tốn kém chi phí, mất thời gian nên đề xuất giữ nguyên quy định là ban hành mỗi 5 năm một lần, hàng năm điều chỉnh theo hệ số K.
Ông Võ Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai góp ý tại hội nghị. Ảnh: CHÂU ANH |
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng mốc thời gian 5 năm là quá dài, đến cuối thời hạn 5 năm thường giá đất đã biến động quá nhiều, nhưng nếu làm hàng năm thì cũng gây tốn kém và không đủ nguồn lực để làm nên đề xuất thời hạn ban hành bảng giá đất là 2-3 năm.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì góp ý việc ban hành giá đất được thực hiện hàng năm, có hiệu lực từ ngày 1-1, điều chỉnh bảng giá đất có biến động tăng giảm 20% trong thời gian liên tục là 60 ngày.
Phải tính thiệt hại đầy đủ để bồi thường
Góp ý về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng đa số ý kiến thống nhất với các quy định tại dự thảo từ Điều 89 đến Điều 101 của dự thảo. Tuy nhiên, tại Điều 100, đối với vật nuôi khác không phải thủy sản như trùn quế thì tính bồi thường như thế nào, vì thực tế người có nuôi mà luật lại không quy định.
Góp ý thêm về điều này, PGS.TS Phan Trung Hiền (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng chúng ta nói về bồi thường mà thiếu quy định về xác định thiệt hại nên chúng ta chỉ nói bồi thường theo quy định pháp luật, dẫn tới thực tế có một số thiệt hại đã không được bồi thường vì không có trong quy định pháp luật. Cụ thể như trường hợp ý kiến của đại diện Vĩnh Long.
PGS.TS Phan Trung Hiền phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo ông Hiền, những thiệt hại đó bao gồm thiệt hại về vật nuôi (có những mục đích sử dụng cho giải trí, du lịch, khoa học, kinh tế…) nên rất nhiều vật nuôi kể cả gia súc, gia cầm, thủy sản… nhưng trong thực tế ta chỉ nói vật nuôi là thủy sản.
Do vậy mà những người nuôi ong, nuôi tằm, trùn quế… mà bị ngăn nguồn nước tưới tiêu cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất của họ. Vì vậy ông đề nghị dự thảo phải có xác định thiệt hại để bồi thường cho đầy đủ, đặc biệt là những người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Về bồi thường cây trồng, ông Hiền cho rằng ĐBSCL có những vùng chuyên canh được quy hoạch vùng trồng sạch, hoặc vùng chất lượng cao mà bồi thường giống như vùng trồng bình thường. Hai vùng này khác nhau nhưng chưa có quy định phân biệt vùng chuyên canh và vùng thông thường để có giá bồi thường cho phù hợp với việc người nông dân đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Thống nhất một chính sách hỗ trợ
Góp ý về hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂU ANH |
Quy định này làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập. Trong khi đặc thù của ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân. Vì họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ.
Đại diện tỉnh An Giang cũng cho rằng nên thống nhất một chính sách về hỗ trợ thu hồi đất. 10 năm qua An Giang vướng chỗ đó, dẫn tới hai chính sách, người dân có tâm lý phải lách luật, khiếu nại…
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Phan Trung Hiền góp ý nên quy định bồi thường với tất cả thiệt hại, còn những phát sinh thêm thì mới nên hỗ trợ. Và như thế, tất cả thiệt hại nên xác định đầy đủ để bồi thường, như vậy sẽ không bị hạn chế chuyện cán bộ, công chức và viên chức trong việc nhận bồi thường giống như hộ nông dân khác khi họ vừa là cán bộ công chức, vừa sản xuất nông nghiệp.
Không được cưỡng chế khi chưa cấp tái định cư
Về tái định cư, PGS.TS Phan Trung Hiền góp ý phải quy định thời hạn cấp nền tái định cư cùng với thời điểm mà quyết định thu hồi đất có hiệu lực. Và thời gian cấp giấy chứng nhận phải sau 30-45 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực. Điều này sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thu hồi đất và bảo đảm tái định cư.
Ông cũng cho rằng trong nguyên tắc cưỡng chế thì phải có nguyên tắc là không được quyền cưỡng chế khi người dân chưa được cấp nền tái định cư.
Về vấn đề "bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", PGS Hiền “nghĩ rằng” việc bằng hoặc tốt hơn về cơ sở hạ tầng tái định cư trên ba phương diện là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường. Ba vấn đề này đảm bảo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Còn chất lượng cuộc sống không chỉ do bồi thường mà còn do người dân nỗ lực ổn định lại cuộc sống.