Thông tin mới nhất về dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

(PLO)- Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp đầu tháng 3 về việc chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự án khó, quy mô lớn,

Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định tuyến đường sắt này là dự án khó, quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Vì vậy, Thứ trưởng giao Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt, tư vấn rà soát kết cấu, nội dung theo một số dự án quan trọng quốc gia đã được phê duyệt vừa qua, cập nhật những vấn đề Hội đồng thẩm định quan tâm trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào hồ sơ dự án.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch của dự án, định hướng quy hoạch, đầu tư khu vực trong thời gian tới.

BQL dự án đường sắt, tư vấn cũng được giao làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP.HCM - TP.Cần Thơ. Song song đó, xác định cụ thể loại hàng dự kiến vận chuyển bằng đường sắt; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.

Dự kiến hướng đi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự kiến hướng đi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

“Việc xem xét dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần phải được đặt trong bài toán tổng thể của quy hoạch, đầu tư mạng lưới đường sắt quốc gia, kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường sắt xuyên Á và đường sắt kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải…”- Thứ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, dự án cũng cần được cập nhật, đối chiếu kết nối của tuyến đường sắt này với các ga dự kiến trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và với các phương thức vận tải khác; khả năng dành quỹ đất của địa phương để xây dựng các nhà ga; dự kiến điều chỉnh vị trí, quy mô các ga của địa phương.

BQL dự án đường sắt, tư vấn cũng cần có luận chứng khoa học chặt chẽ, phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác mạng lưới đường sắt quốc gia.

Thứ trưởng cũng yêu cầu BQL dự án đường sắt xây dựng tiến độ cụ thể cho từng nội dung trong giai đoạn chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, tiến độ thi công và đưa vào dự án vận hành khai thác. Tiến độ cần phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của từng phương thức vận tải.

Cục Đường sắt Việt Nam được giao sớm hoàn thiện báo cáo đầu kỳ của quy hoạch đầu mối TP.HCM để lãnh đạo bộ làm việc với TP.HCM về các định hướng phát triển đường sắt trong khu vực này.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9,07 tỉ USD

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do BQL dự án đường sắt lập, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành với tổng chiều dài 174,42 km.

Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Trên tuyến cần bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...

Công nghệ được lựa chọn cho đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h.

Tổng mức đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dự kiến 213.948 tỉ đồng (khoảng 9,07 tỉ USD).

Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP. Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).

Theo đó, nhà đầu tư PPP đầu tư hạ tầng và cho đơn vị vận hành thuê. Đề xuất thuê khai thác trong vòng 30 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm