Cẩn trọng khi cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Ngày 14-11, Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Từ Phú Quốc mở rộng ra các đảo, khu kinh tế khác

Một trong những điểm mấu chốt là bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (hiện cả nước có 18 khu).

Theo tờ trình của Chính phủ, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Chính phủ cho biết quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc theo Quyết định 80/2013 của Thủ tướng, đồng thời đây là cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.

Mở cửa phải đi liền giữ được cửa

Dù đồng tình với đề xuất trên nhưng Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lại cảnh báo về các nguy cơ cho an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài. Vì vậy, việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ, giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể.

Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần nghiên cứu để định ra đối tượng nào cần thu hút. Ông nói Thái Lan đóng cửa một số thiên đường du lịch để phục hồi môi trường bị ô nhiễm, dù thiệt hại hàng tỉ đôla.

Du khách nước ngoài nhập cảnh vào đảo Phú Quốc. Ảnh: HTD

“Càng mở cửa du lịch càng tăng thì càng phải quản lý việc xuất nhập cảnh chặt chẽ hơn. Vào nhiều như thế càng phải bảo đảm sự an toàn cho đất nước, cho xã hội chúng ta và cho chính sách du lịch, cho môi trường du lịch. Vì người vào đông như vậy sẽ có người tốt, có người vi phạm, trong số người vi phạm có người vi phạm vô tình, có người cố tình vi phạm như các phần tử khủng bố, ma túy, cờ bạc quốc tế…” - ĐB Nghĩa phân tích.

ĐB Nghĩa kể ông thường xuyên đi châu Âu và vẫn phải xin thị thực, phải có giấy mời, phải chứng minh điều kiện tài chính, phải mua bảo hiểm, phải chứng minh đã đặt vé đi/vé về… “Nhưng khi đã qua EU thì đi các nước không cần phải đăng ký tạm trú, tạm vắng, muốn đi đâu thì đi, suốt thời gian ở không ai hỏi tôi câu nào vì tôi không có vi phạm gì”.

“Quản lý thị thực chặt thì công tác quản lý tạm trú, tạm vắng sẽ bớt việc đi rất nhiều” - ĐB Nghĩa nói.

Quản lý tạm trú, tạm vắng gây phản cảm

Nhiều kiều bào ở nhiều nước phản ánh hiện việc cấp thị thực qua đại sứ quán của ta ở nước ngoài rất bất cập. Hiện nay việc quản lý tạm trú, tạm vắng của ta khiến bà con kiều bào về than phiền rất nhiều, họ thấy phản cảm.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA 

Vào đông, vi phạm pháp luật càng nhiều

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn việc dự luật giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài nếu đảm bảo các điều kiện. ĐB Thúy nói cần cân nhắc vì quy định này “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

ĐB Thúy nói việc luật hóa Quyết định 80/2013 của Thủ tướng về việc ban hành một số cơ chế đặc thù phát triển đảo Phú Quốc bằng cách cho người nước ngoài vào đây được miễn thị thực 30 ngày là thiếu bằng chứng thuyết phục. Các nước ASEAN không như thế.

Đồng tình với nhiều ĐB rằng quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tại các khu kinh tế ven biển cùng với việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo sẽ làm tăng nguy cơ an ninh, trật tự xã hội…, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói: “Hiện nay người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn thì tình trạng vi phạm pháp luật của họ cũng ngày càng tăng lên”.

Cuối cùng ĐB Khánh nói: “Tôi tán thành ý kiến các ĐB Thúy và Nghĩa, không đồng ý quy định miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo luật. Đề nghị Ủy ban Quốc phòng An ninh với trách nhiệm được nhân dân giao phó phải dựa trên lợi ích của quốc gia, của nhân dân, để thực hiện nghiêm túc”.

Mất Phú Quốc là không chỉ mất đảo ngọc

Trăn trở như nhiều ĐB về Phú Quốc, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói: “Thực tế hơn bốn năm thực hiện ở huyện đảo Phú Quốc không có nghĩa là có thể áp dụng cho các khu vực kinh tế ven biển khác. Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch”. ĐB Khánh cho rằng: “Mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

“Nhiều người lo rằng đảo Phú Quốc không còn là đảo ngọc mà chúng ta mong muốn như ngày xưa” - ĐB Khánh nói và đề nghị Quốc hội sớm xem xét giám sát việc ban hành các văn bản, quy định pháp luật hiện hành, trong đó có Quyết định 80/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm góp phần siết chặt quản lý nhà nước, tránh sơ hở, gây khó khăn cho công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của người nước ngoài ở Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm