Cần xem lại vụ làm giả hồ sơ chiếm nhà

Sau bài “Làm giả giấy tờ để chiếm nhà nhưng không bị khởi tố”, Pháp Luật TP.HCM nhận được ý kiến của các luật sư (LS) không đồng tình với quyết định của Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai. Trước đó, cơ quan điều tra (CQĐT) xác định toàn bộ giấy tờ sang nhượng mua bán đất được ông Đinh Quang Hướng làm giả nhưng không khởi tố vụ án vì lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Định giá tài sản theo giá thị trường
Theo LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, Điều 341 BLHS 2015 quy định tội làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù nếu có tình tiết định khung là thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Như vậy, giá trị nhà, đất mà ông Hướng chiếm đoạt của bị hại là yếu tố để đánh giá hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng. Bởi trước đó công an không khởi tố vụ án vì cho rằng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định hành vi của ông Hướng gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng (thuộc trường hợp ít nghiêm trọng). 
LS Hoan phân tích: Điều 4 Nghị định 30/2018 (về định giá tài sản trong tố tụng hình sự) quy định nguyên tắc định giá phải phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá. Cạnh đó, Điều 17 của nghị định này còn quy định nếu tài sản bị mất, thất lạc, bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục thì xác định giá theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được. 
Trong vụ này, CQĐT căn cứ vào giá đất do Nhà nước ban hành năm 2011 (thời điểm ông Hướng làm giả giấy tờ) để cho rằng giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng mà không định giá theo giá thị trường là không đúng. 
CQĐT còn cho rằng tài sản trên đất là căn nhà cấp bốn, do qua nhiều đời chủ, bị sửa chữa, thay đổi nên không định giá được và tài sản trong nhà quá lâu không thể xác định giá. Theo LS Hoan, nhận định như vậy là sai, bởi nếu đã xác định được có căn nhà cấp bốn trên đất mà hiện nay nhà không còn thì căn cứ vào đơn giá nhà do UBND cấp tỉnh ban hành, dựa trên cơ sở năm xây dựng hoàn thành trừ đi phần khấu hao vẫn có thể xác định được giá trị căn nhà.
Đồng tình, LS-TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng cần phải làm rõ về thời điểm tính thiệt hại. Theo đó, thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất tại thời điểm ông Hướng chuyển nhượng đất cho bên thứ ba, chứ không phải khi làm giả giấy tờ. Giá trị tài sản phải được tính theo giá thị trường, chứ không phải áp giá nhà nước năm 2011.

Nhà, đất của bà Nguyễn Thị Tin trong vụ việc. Ảnh: VŨ HỘI

Có thể khiếu nại quyết định không khởi tố 
Theo LS Hoan, tại Điều 341 BLHS quy định tình tiết định khung là “thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên”. Thực tế, việc vay mượn tiền giữa ông Hướng và người bị hại vẫn tồn tại quan hệ vay mượn và người bị hại có trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền ông Hướng làm giả giấy tờ để bán nhà, đất được coi là khoản thu lợi bất chính.
Nếu xác định được giá trị nhà, đất bị chiếm đoạt trị giá trên 50 triệu đồng thì khung hình phạt đối với hành vi làm giả hồ sơ này lên tới bảy năm tù. Theo Điều 9 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt từ trên ba năm đến bảy năm tù thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự loại tội này là 10 năm (Điều 27 BLHS). Vì thế, việc Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa xác định số tiền thiệt hại mà ông Hướng gây ra là 32 triệu đồng để ra quyết định không khởi tố vụ án với lý do hết thời hiệu là chưa chuẩn.
LS Trạch cho rằng để bảo vệ quyền lợi của mình, người bị hại có thể căn cứ vào khoản 2 Điều 158 BLTTHS để khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án, yêu cầu CQĐT định giá lại tài sản theo giá thị trường. Đồng thời, người bị hại có thể căn cứ Điều 159 và Điều 161 BLTTHS để kiến nghị VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT.

 Hành vi làm giả giấy tờ rất rõ

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, theo hồ sơ, năm 2010, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tin vay của ông Đinh Quang Hướng 400 triệu đồng. Ông Hướng yêu cầu giữ giấy tờ nhà, đất do vợ chồng bà Tin đứng tên. Năm 2016, do kinh tế khó khăn, chồng qua đời nên bà Tin ở quê ngoài Bắc gọi điện thoại nhờ ông Hướng tìm người bán nhà, đất để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, khi bà Tin trở lại Đồng Nai thì phát hiện ông Hướng đã bán nhà, đất của bà nên tố cáo. 

Công an TP Biên Hòa xác định những chữ ký, dấu vân tay của vợ chồng bà Tin trong hợp đồng mua bán cho ông Hướng đều là giả. Sau đó ông Hướng đã sang tên nhà, đất cho chính mình trước khi bán cho người thứ ba. Tuy nhiên, công an không khởi tố vụ án vì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ sở là theo kết quả định giá mảnh đất có diện tích 104 m2 theo giá Nhà nước quy định năm 2011, tại thời điểm ông Hướng làm giả giấy tờ chỉ có giá 32 triệu đồng. Căn nhà cấp bốn, do qua nhiều đời chủ, bị sửa chữa, thay đổi nên không định giá được. Giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 50 triệu đồng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, thời hạn truy cứu chỉ là năm năm đã hết...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm