Chưa lấy được tiền bán nhà mà căn nhà đã bị chuyển nhượng qua nhiều đời chủ. Đó là câu chuyện đau lòng của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hồng, ngụ quận 8, TP.HCM.
Mua nhà nhưng không trả tiền
Theo bà Hồng, hai người con bà là chủ sở hữu căn nhà tại địa chỉ 458/86 Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, TP.HCM theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp ngày 29-8-2016.
Tháng 10-2016, hai người con của bà đã dùng căn nhà trên để bảo lãnh cho vợ chồng bà vay 3 tỉ đồng tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hóc Môn.
Vay được một thời gian, do cần thêm tiền để kinh doanh, gia đình bà Hồng đã nhờ công ty môi giới bất động sản đăng tin bán căn nhà trên. Thông qua một người môi giới, bà Hồng gặp được Phạm Thành Tiến Thịnh, người đang có nhu cầu mua nhà của gia đình bà.
Sau khi trao đổi, gia đình bà đồng ý bán căn nhà trên cho Thịnh với giá 9,7 tỉ đồng.
Về cách thức thanh toán, cả hai bên mua và bán thống nhất cách trả tiền là Thịnh sẽ thanh toán trước số tiền 3,5 tỉ đồng tại ngân hàng để làm thủ tục giải chấp căn nhà. Số tiền còn lại 6,2 tỉ đồng, Thịnh mở sổ tiết kiệm đứng tên bà Hồng và phong tỏa số tiền này tại một ngân hàng.
Thịnh sẽ cung cấp bản sao sổ tiết kiệm giao cho bà Hồng giữ để làm tin. Sau khi tiến hành việc công chứng, sang tên, bà Hồng sẽ rút số tiền 6,2 tỉ đồng và giao nhà cho Thịnh.
Thỏa thuận xong, Thịnh nói do mình thiếu tiền mua nhà nên đã vay của bà T. 5,5 tỉ đồng. Do vậy, Thịnh đề nghị bà Hồng ghi tên người mua trên hợp đồng mua bán công chứng là bà T., giá mua bán là 5,5 tỉ đồng và bà Hồng đồng ý.
Sáng 6-1-2017, Thịnh yêu cầu bên bán là hai người con bà Hồng và bên mua là bà T. đến Phòng Công chứng số 7 để ký tên vào bản thảo hợp đồng mua bán. Trong lúc ký hợp đồng mua bán, cả hai bên ký thêm hợp đồng ủy quyền cho một người khác thực hiện các thủ tục kê khai các loại thuế, phí và thủ tục sang tên chủ quyền nhà.
Ký xong, Thịnh giữ hết giấy tờ rồi hẹn mọi người đầu giờ chiều cùng ngày đến ngân hàng để giải chấp lấy giấy tờ nhà ra.
Đúng hẹn, Thịnh giao cho bà Hồng hơn 3 tỉ đồng để giải chấp. Đồng thời, Thịnh yêu cầu bà Hồng đưa hết giấy tờ cho mình giữ để làm tin vì việc công chứng sang tên chưa hoàn tất. Nghĩ chưa ký công chứng sang tên thì không sao nên bà Hồng đồng ý đưa giấy tờ nhà cho Thịnh giữ.
Sau đó Thịnh yêu cầu bà Hồng đến Ngân hàng ACB để Thịnh lấy và đưa cho bà Hồng sổ tiết kiệm có số dư 6,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nơi thì đã hết giờ làm việc, Thịnh nói giám đốc chi nhánh này là chỗ quen biết nên Thịnh gọi điện thoại để hỏi. Sau đó Thịnh giao cho bà Hồng bản chính thư xác nhận số dư của ngân hàng với nội dung: “Bà Nguyễn Thị Kim Hồng… tại thời điểm 16 giờ ngày 6-1-2017, tài khoản số 49656079… có số dư 6,2 tỉ đồng”.
Chưa tin vào thư xác nhận số dư, bà Hồng hẹn Thịnh sáng 7-1-2017 đến Ngân hàng ACB để kiểm tra. Kết quả kiểm tra: Đây là thư giả. Sau đó Thịnh biến mất.
Từ hình sự chuyển dân sự, rồi lại hình sự
Vụ việc xảy ra, bà Hồng đã gửi đơn tố cáo Thịnh với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công an quận 10.
Tháng 2-2017, cơ quan điều tra Công an quận 10 đã yêu cầu giám định thư xác định số dư mà Thịnh đưa cho bà Hồng, kết quả là giả.
Ngày 13-4-2017, Công an quận 10 đã ra thông báo kết quả giải quyết tố cáo của bà Hồng và nhận định vụ việc này là tranh chấp dân sự, yêu cầu bà khởi kiện ra tòa.
Sau đó bà Hồng nộp đơn “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”, bị đơn là bà T. và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Thịnh.
Tuy nhiên, qua quá trình thụ lý hồ sơ, TAND quận 10 nhận định vụ này là hình sự và đã gửi công văn kiến nghị khởi tố hình sự đến cơ quan công an.
Từ kiến nghị của TAND quận 10, ngày 23-8-2018, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phạm Thành Tiến Thịnh về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 20-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã bị can đối với Phạm Thành Tiến Thịnh (SN 10-5-1990, ngụ ấp 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Quyết định truy nã nêu rõ: “Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, địa chỉ 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, điện thoại 0693187244”.
Cầu cứu nhiều cơ quan vẫn bị mất nhà Ngay từ đầu khi biết mình bị lừa, tôi đã gửi đơn ngăn chặn khắp nơi từ UBND quận 10, cơ quan công an và văn phòng đất đai để yêu cầu tạm thời ngưng chuyển dịch căn nhà trên. Thế nhưng cuối cùng nhà vẫn bị mất về tay kẻ gian. Nếu như các cơ quan ngay từ đầu xác định rõ đây là vụ án hình sự thì có lẽ người dân không phải đi lòng vòng dẫn đến mất nhà như hôm nay. Giờ căn nhà của gia đình tôi đã bị sang tên qua nhiều đời chủ, hậu quả này rất lớn và ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm đây? Bà NGUYỄN THỊ KIM HỒNG, ngụ quận 8, TP.HCM Ngày 21-2-2017, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 10 có nhận được văn bản của cơ quan điều tra Công an quận 10 về việc tạm thời ngưng giải quyết thủ tục sang tên sổ đỏ đối với căn nhà 458/86 Ba Tháng Hai. Đến ngày 13-4-2017, cơ quan điều tra Công an quận 10 hủy công văn giải tỏa việc tạm ngưng trên. Ngày 15-5-2017, bà T. nộp hồ sơ đề nghị đăng bộ và vì lúc này không có văn bản ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền nên Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 10 đã giải quyết. Hiện nay căn nhà trên đã được sang tên qua thêm hai đời chủ nữa. Ông PHAN HỮU HÒA, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 10 Căn cứ vào Điều 6 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cần ra văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tạm ngưng giao dịch đối với căn nhà nêu trên để phục vụ cho công tác điều tra cũng như để đảm bảo thu hồi tài sản cho người bị hại. Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM N.HIỀN-H.ĐĂNG ghi |