Cần xử lý nghiêm hành vi vô lễ, vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên

(PLO)- Từ những vụ học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, đã đến lúc chúng ta quan tâm đến việc giáo dục giúp trẻ hiểu được nghĩa vụ, quyền được làm và không thể làm điều gì trong môi trường học đường, đặc biệt là cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực với thầy cô giáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình cờ đọc được thông tin về một cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học trò lớp 7 chốt cửa, dồn vào góc lớp, chửi bới với những lời lẽ thô tục khiến tôi bàng hoàng. Chẳng biết, có phải trùng hợp không, khi cách đó vài ngày, vụ việc một sinh viên ra sức lên án giảng viên bằng những lời lẽ nặng nề, yêu cầu nhà trường đuổi việc cô giáo tại đại học Hoa Sen cũng khiến dư luận không khỏi ngán ngẩm trước cách ứng xử kém văn hóa của giới trẻ ngày nay.

Là một người đứng lớp, bản thân không tránh khỏi cảm giác xót xa đến đau lòng trước tình huống mà các anh chị em đồng nghiệp trong ngành giáo dục đang phải đối diện.

vi pham dao duc 2.png
Cô giáo H bị học sinh khóa trái cửa bên ngoài, nhốt trong phòng học. Bên trong, học sinh quây cô giáo, thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức với chính giáo viên của mình. Ảnh cắt từ camera trường THCS Văn Phú

Tôi cũng từng là nạn nhân

Những năm gần đây, chúng ta thường bàn rất nhiều về hành vi không chuẩn mực giữa thầy cô với học sinh hoặc bạo lực học đường giữa học sinh với nhau mà ít khi quan tâm đến trường hợp ngược lại.

Hành động mà bạn sinh viên hoặc các em học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang thực hiện với chính những người đang đứng lớp giảng dạy và trao truyền tri thức cho mình, dù xét về lý hay tình cũng chẳng thể chấp nhận được. Đáng buồn thay, những hành vi bạo lực học đường mà nạn nhân là thầy cô trước sự tấn công bất phân lễ nghĩa, bỏ qua đạo đức cần thiết của học sinh ngày một nhiều hơn.

Câu chuyện của bản thân tôi là một điển hình. Cách đây vài năm, tôi dạy môn Lịch sử ở một lớp 8 trong trường. Vài tháng đầu, khi học sinh thường xuyên không học bài, làm bài, tôi yêu cầu các em phải viết kiểm điểm để nhận lỗi. Cá nhân tôi khi ấy chỉ nghỉ đơn thuần rằng đây là cách giúp học sinh phải e dè, cố gắng chăm chỉ hơn.

Tuy nhiên, phụ huynh của những em học sinh này không đồng tình với cách làm của tôi. Họ vào trường, trao đổi thẳng thừng với ban giám hiệu rằng họ muốn con em họ tập trung học Anh văn và các môn chính, còn các môn học phụ thì học sinh lớp này không cần phải học. Giáo viên môn phụ cũng nên biết giới hạn bộ môn của mình mà hạn chế gây áp lực cho học sinh.

Bản thân tôi khi nghe những lời trao đổi ấy thì chưng hửng nhưng càng buồn hơn khi ban giám hiệu nhà trường vì sợ làm phật lòng phụ huynh nên đã quyết định ngừng việc giảng dạy của tôi tại lớp này, để một giáo viên khác vào giảng dạy. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại tại đó. Kể từ khi chuyển sang lớp khác giảng dạy, các em học sinh ở lớp 8 này khi tình cờ gặp tôi trong trường, luôn có những lời dè bỉu, tỏ rõ thái độ vô lễ.

Đỉnh điểm là vào kỳ thi cuối học kỳ 1, thấy tôi mải ôm một xấp giấy tờ ra khỏi phòng thi, vài em học sinh nam ở lớp này cố tình tiến đến đẩy ngã tôi. Khi thấy tôi ngã xuống đất, các em bật cười ngặt nghẽo. Chứng kiến hành động ấy, lòng tôi buồn vô kể, cảm thấy mọi nhiệt tâm với nghề phút chốc tan biến. Bản thân cũng dự định sẽ mời phụ huynh các em lên phòng giáo viên xử lý mọi việc cho ra nhẽ, nhưng nghĩ đến cảnh phải một mình đối mặt với những phụ huynh luôn bênh vực con mình đến thái quá như thế, tôi đành im lặng cho qua chuyện.

Cá nhân tôi chợt nhận ra chưa bao giờ vị thế của người thầy bị hạ thấp như thời điểm lúc này. Việc họ phải cô đơn chống chọi lại tất cả những lời phán xét, miệt thị vô cớ, thậm chí là hành hung của phụ huynh và học sinh, mà không nhận được sự bảo vệ từ phía ban giám hiệu nhà trường, lại càng đau lòng hơn gấp bội. Tất nhiên, tôi không đánh đồng tất cả mọi trường hợp, nhưng đại đa số ban giám hiệu nhà trường thường có thói quen xoa dịu, tán đồng với phụ huynh, để hạn chế tối đa mọi mâu thuẫn. Dẫu biết đó là giải pháp cần thiết để quản lý nhà trường nhưng vô hình trung lại gây nên tâm lý bênh vực con ngày càng thái quá ở phụ huynh, không giải quyết đến tận gốc mọi vấn đề phát sinh giữa thầy trò một cách công tâm.

Riêng về phía giáo viên sau những lần bị “xử ép”, bắt buộc phải nhận lỗi về phía bản thân, sẽ nảy sinh tâm trạng chán chường, không còn nhiệt tâm để giáo dục, uốn nắn học sinh như trước đây. Lâu dần, chính điều này gây nên những thiếu hụt về kiến thức văn hóa lẫn văn minh ứng xử ở các em ngày một trầm trọng hơn. Các bậc phụ huynh vẫn thường có câu cửa miệng rằng: “Con tôi ở nhà ngoan lắm…” hoặc “Cháu còn bé, chưa đủ nhận thức” để bao biện cho mọi vấn đề phạm lỗi của con mình. Nhưng dẫu chỉ là một đứa trẻ ba tuổi thì theo các nghiên cứu khoa học về tâm lý con người, bé đã có thể nhận thức được hơn 50% những điều xảy ra chung quanh. Huống chi là những đứa trẻ ở lứa tuổi cấp 2,3 và cả lớn hơn như đại học. Việc các em phải chịu trách nhiệm và học cách điều chỉnh hành vi ứng xử của mình phù hợp trong từng môi trường là điều tất yếu.

Giúp trẻ hiểu được cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực với thầy cô giáo

Chúng ta cứ thử đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ luôn được cha mẹ bao bọc, cấp cho một “quyền lực mềm” là có thể phản bác, xử lý bất kỳ thầy cô giáo nào khi dạy dỗ bé, thì hậu quả sẽ ra sao? Từ cấp mầm non, chỉ cần theo dõi camera, thấy con mình bị ngã hay có một vết xước, nhiều phụ huynh đã ngay lập tức vào trường dùng đủ lời lẽ miệt thị, thậm chí hành hung các cô giáo. Khi vào cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đứa trẻ chỉ cần bị thầy cô nhắc nhở vì vi phạm kỷ luật hoặc viết bảng kiểm điểm, nhiều bậc phụ huynh chưa xét rõ nguyên nhân đã vào trường buông lời mắng mỏ, xúc phạm thầy cô.

Đứa trẻ, trong suốt quá trình lớn lên, chứng kiến vô số lần bản thân dù phạm lỗi vẫn được cha mẹ dung túng một cách bất chấp như thế, liệu có cần phải cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức cho chuẩn mực nữa không? Và khi trưởng thành, những “sản phẩm lỗi” từ cách bênh vực, giáo dục kém hiệu quả ấy, có thể trưởng thành với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp không? Hay chính phụ huynh khi ấy, lại là người cảm thấy dở khóc dở cười vì con mình quá hư hỏng, ương bướng, mắc nhiều lỗi về hành vi ứng xử mà chẳng kịp điều chỉnh.

Người Việt Nam ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” để nhắc nhở người học luôn phải biết kính trọng và ứng xử đúng lễ với thầy cô. Tuy nhiên, truyền thống ấy, đáng buồn thay, đang bị xem nhẹ dần theo thời gian. Vốn dĩ, môi trường học đường ngày nay luôn xem trọng quyền trẻ em, đề cao tính độc lập và tự chủ của các em học sinh. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta quan tâm đến việc giáo dục giúp trẻ hiểu được nghĩa vụ, quyền được làm và không thể làm điều gì trong môi trường học đường, đặc biệt là cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực với thầy cô giáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm